Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 

 

 

CA DAO BÌNH ÐỊNH.

ÐÀO ÐỨC BÍCH

 

          Bình Ðịnh nổi tiếng không những có anh hùng Quang Trung Ðại đế Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng phá tan quân Thanh ở phía Bắc, đánh bại quân Xiêm ở phía Nam, Bình Ðịnh còn là một địa danh nổi tiếng khắp nước Việt nam về võ thuật mà ngay cả đàn bà, con gái vẫn biết côn, quyền qua câu ca dao:

“Ai về Bình định mà coi

Con gái Bình Ðịnh cầm roi đi quyền”

          Nhiều sản phẩm nổi tiếng ở Bình Ðịnh: khi thăm viếng, người ta thường mua làm quà để tặng cho nhau những đặc sản đẹp, cổ truyền biểu tượng tấm lòng chung thủy của người con gái:

“Nón ngựa Gò Găng

Bún Song thần An Thái

Lụa Ðậu tủ Nhơn Ngãi

Xoài tượng chín Hưng Long

Mặc ai mơ táo ước hồng

Lòng quê em giữ một lòng trước sau”

 

          Ðôi trai gái quen nhau, lâu ngày chàng từ giã nàng về thăm quê nhà, nhưng quá kỳ hẹn mà không thấy trở lại, nàng vừa hái dâu vừa đếm từng lá dâu, tính từng ngày xa cách:

“Anh về Bình Ðịnh chi lâu

Bỏ em ở lại hái dâu một mình”

hoặc là:

“Anh về Bồ Ðịch, Giếng Vuông,

No cơm ấm chiếu luông tuồng bỏ em”

          Ngày xưa ở Việt Nam, đàn bà con gái giỏi nội trợ, biết làm bếp và nấu cơm. Có một số các cô con nhà giàu được cưng chìu, một số cô khác vì tuổi còn nhỏ chưa có kinh nghiệm trong việc nấu nướng, thổi cơm không chín:

“Tiếng đồn con gái Phú Trung

Nấu cơm không chín mở vung xem hoài

Tiếng đồn con gái Phú Tài

Nấu cơm không chín đốt hoài cơm khê”

          Có những câu đối đáp giữa trai gái dưới ánh trăng thanh trong ngày mùa, hoặc trong đêm trăng giã gạo, hoặc các cô vừa cấy lúa vừa hát hò và đật câu hỏi đến người con trai:

“Tiếng đồn anh hay chữ

Tài ngang Cử, Tú

Lại đây em hỏi một đôi câu

Ngọt ngay nước chảy dưới cầu

Gọi cầu Nước Mặn cớ bởi đâu hỡi chàng”

hoặc là:

“Tiếng đồn anh hay chữ

Thường đọc sách Kinh Thi

Hỏi anh ông Văn Vương đi cưới bà Hậu Phi năm nào?”

          Chúng ta nghe tâm sự của người dân thương mến chú Lía, người đã làm việc nghĩa, chia sớt phần tiền thặng dư của người giàu đến những người nghèo khó và đã bị quân triều đình bao vây:

Chiều chiều én liệng truông Mây

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành”.

          Bình Ðịnh có những hòn tháp đẹp như Tháp Ðôi, tháp Cánh Tiên, có Cầu Ðôi nước chảy hai dòng, có đèo An Khê mịt mù mây phủ:

“Cầu Ðôi đứng cạnh Tháp Ðôi

Ðôi ta đẹp lứa đẹp đôi trên đời

hoặc:

“Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển

Cảm thương người một kiểng hai quê

Cầu Ðôi liền lối đi về

Mịt mùng mây phủ An Khê, Phú Tài”.

hoặc:

“Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên

Cảm thương ông hậu thủ thiền ba năm”.

Câu ca dao dưới đây nhiều người đã nghe và thuộc lòng từ khi còn nhỏ, mãi đến lúc tuổi về chiều vẫn nhớ rành rành, qua sự đối đáp của người mẹ và người con:

Mẹ ơi đừng đánh con đau

Ðể con bắt ốc hái rau mẹ nhờ

Bắt ốc, ốc lủi vô bờ

Hái rau, rau héo mẹ nhờ gì đâu?”

Ðập Ðá là thị trấn thường được nhắc tới trong ca dao Bình Ðịnh:

“Anh về Ðập Ðá đưa đò

Trước đưa quan khách sau dò ý em”

hoặc:

“Anh về Ðập Ðá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Ða quê nàng”.

Người con trai đi đường tán tỉnh người con gái và buông thả nhiều lời hứa hẹn, người con gái muốn buộc chặt những lời hứa nầy với người quen thấy mặt và Thần Ðình chứng giám:

“Giữa đường không tiện nói năng

Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tỏ tình

Gò Găng có chợ có đình

Người quen thấy mặt Thần Linh chứng lời”

Gò Bồi, Cách Thử, Vũng Nồm là những nơi cung cấp nhiều cá, tôm ngon, ai đi qua cũng nhớ đến mùi nước mắm:

“Gò Bồi có nước mắm cơm

Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi”

Măng le trên nguồn, cá chuồn dưới vũng là những sản phẩm trao đổi giữa miền cao rừng núi và miền biển:

“Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gởi xuống cá chuồn gởi lên”

hoặc:

“Em về dưới chợ Kỳ Sơn

Mua tôm mua cá đền ơn mẹ già”

Sông Côn, Lại giang là đề tài của nhiều sử tích, nhiều câu chuyện tình phổ cập trong dân gian, dòng sông cung cấp nước cho cánh đồng Bình Ðịnh, tô thêm duyên sắc, sự chịu đựng đợi chờ của người con gái:

“Nước Lại giang mênh mang mùa nắng

Giòng sông Côn lai láng mùa mưa

Ðã cam tháng đợi năm chờ

Duyên em đục chịu trong nhờ quản bao”

Bồng Sơn, Tam Quan là xứ dừa Bình Ðịnh, dừa nhiều đến nỗi không thể nào tưới nổi:

“Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”

Ðồng Phó, Hà Nhung là nơi nổi tiếng về khoai lang, đậu phộng:

“Củ lang Ðồng Phó

Ðậu phộng Hà Nhung

Chồng bòn, vợ mót bỏ chung một gùi

Chẳng qua duyên nợ sụt sùi

Chàng giận chàng đạp cái gùi văng đi...

Nước uống càng đi lên nguồn là nước càng trong, món ăn càng xuống gần biển càng nhiều tôm nhiều cá:

“Muốn ăn đi xuống, muốn uống đi lên

Quán Ngỗng Gò Chim Cầu Chàm Ðập Ðá

Vũng Nồm nhiều cá, Vũng Bấc nhiều tôm

Chợ chiều bán cơm, chơ mai bán gạo”

Người con gái bán nước trà xanh tại chợ Quán Mới thôn Lộc Thuận, Nhơn Hạnh, nổi tiếng là gái đẹp với mái tóc huyền và nụ cười duyên với má lúm đồng tiền, hàm răng hạt lựu đều đặn làm dừng bước giang hồ, chạnh lòng người lữ thứ:

“Ði đâu vội vã anh ơi

Ghé chợ Quán Mới anh xơi chén trà

Hỏi em cha mẹ có nhà

Trước là thăm Bác sau là thăm em”

Ngày xưa, trai Bình Ðịnh ra Huế thi, khi về mời gọi gái Huế theo chàng đến nơi có biển Ðông sóng vồ, Tháp chàm ghi sử tích anh hùng hào kiệt:

“Mảng vui Hương thủy, Ngự Bình

Ai vô Bình Ðịnh với mình thì vô

Chẳng sang chẳng lịch bằng đất kinh đô

Nhưng Bình Ðịnh không đồng khô cỏ cháy

Ba dòng sông chảy, bảy dãy non cao

Biển Ðông sóng vỗ dạt dào

Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh”

Có những câu trong dân gian trách cứ nhau:

“Giếng sâu thăm thẳm

Con chim trên cây cao nó đổ tăm tăm

Nghĩa nhơn anh tích để ngàn năm

Lẽ gì sớm viếng tối thăm duyên chàng

Nào ai ngờ bụng em ở dở dang

Sao mê xứ khác không phụ phàng đến ta đâu

Hồi nào anh nói em trao

Anh chờ em đợi tòng cao bá tàn

Thôi thôi em ở dậy dương gian

Chồng em em giữ chứ nghĩa chàng em đừng quên”

Có nhiều chàng trai tham lam tán gái nhiều cô, bắt cá hai tay, cá không bắt được, chim bay mất về rừng:

“Chợ chiều nhiều khế ế chanh

Nhiều con gái quá cho nên anh chàng ràng

Chàng ràng bắt cá hai tay

Cá kia sẩy mất, chim bay về rừng”

Chợ Dinh được nhắc qua câu ca dao sau:

“Chợ Dinh bán nón quan hai

Bộ tua quan mốt, bộ quai năm tiền”

Dù rằng túng thiếu, giấy rách phải giữ lề, ăn mặc chỉnh tề:

“Ở đất ta nam thanh nữ tú

Sang đất nàng vượn hú chim kêu

Dù rằng anh hết gạo treo niêu

Cũng thắt dây lưng đỏ, bịt khăn điều thảnh thơi...

Ðôi khi người con gái phải xử trí khéo léo để tiện lợi đôi đàng:

“Giếng sâu nhiều mạch giếng trong

Em đây không phải con dòng họ Phan

Cũng vì chút nghĩa duyên chàng

Cho nên em phải lập đàng xuống lên”

Người con gái trách trò Ba, người học trò có lòng dạ đen tối như lông đen con quạ, cánh đen con quạ:

“Con quạ đen lông đen cánh

Ðỗ nhánh can cường

Trò Ba qủy quyệt quyết lường duyên em”

Trai gái có những lúc hẹn hò đối đáp nhau:

“Tới đây không hát thì hò

Không phải con cò ngóng cổ mà nghe”

hoặc:

“Tưởng rằng đó địch cùng đây

Hay đâu đó giắt ông thầy sau lưng

 

Tính nết đứng đắn của người con gái làm người con trai nể trọng:

“Ngó lên cây mít ít trái nhiều xơ

Con gái lẳng lơ trai kia bậy bạ

Con gái đàng hoàng trai nọ dám đâu...”

Chúng ta đã nghe một số câu đố phái nữ hỏi phái nam, và bây giờ chúng ta nghe nam hỏi nữ:

“Tiếng đồn chị hay chữ

Gái Bình Ðịnh có tài

Nếu ông anh rể chị bên trong bị con ong nó cắn mà xỉu thì làm thế nào chị cởi cái quần dài anh rể chị ra?

          Ca dao Bình Ðịnh gồm nhiều thể loại khác nhau được truyền tụng trong dân gian qua nhiều thế hệ. Tôi sưu tập một số câu ca dao trên đây do sự truyền khẩu của một số bạn bè và người quen quê quán Bình Ðịnh, xin cống hiến quí vị để nhớ lại quê hương xứ sở nằm phía bên kia bờ Ðại dương, nửa vòng quay trái đất:

“Ca dao Bình Ðịnh thật hay

Câu thơ như giọt rượu cay ấm lòng

Quê hương trái đất nửa vòng

Ngày thương đêm nhớ như mong mẹ về”

ÐÀO ÐỨC BÍCH

Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000

CA DAO BÌNH ÐỊNH

VÕ NGỌC UYỂN

 

“Ai về Ðập Ðá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Ða quê nàng...”

          Quê tôi miền Phú Ða giàu thịnh, ngày xưa có trai thanh gái lịch, có sông nước hiền hòa. Chợ Phú Ða đã một thời nổi tiếng vui vẻ nhộn nhịp với những ngày hội lễ Tết tưng bừng: xổ số Cổ Nhơn, hát bội, đánh cờ người và những ngày mùa cấy, gặt lúa, giã gạo, hát hò khó phai mờ trong tâm trí tôi, thuở còn niên thiếu.

          Những câu hát giao tình, những câu hò châm chọc nhau giữa những đôi trai gái thôn quê trong những đêm trăng vằng vặc trước sân nhà như vừa mới đâu đây, không xa lắm trong trí tưởng tôi, mà giờ đây đã hơn hai mươi năm dài xa cách và chắc không bao giờ còn nữa ở quê tôi, một nơi mà người dân hiện đang sống trong đói nghèo khổ cực.

          Những người dân quê mộc mạc, tuy ít học hoặc kể cả không biết một chữ nào mà cũng có thể ứng khẩu hát hò với những lời lẽ bóng bẩy, có vần điệu nhịp nhàng theo giọng hò êm ái của thể thơ lục bát, điều đó chứng tỏ mỗi một người dân quê là một thi sĩ hay ít ra cũng là những người có tâm hồn nghệ thuật, yêu chuộng những cái hay cái đẹp của tình cảm con người.

          Ca dao là những câu thơ thường ở thể lục bát, vần điệu êm đềm nhẹ nhàng dễ đi sâu vào lòng người nên dễ nhớ dễ thuộc, nó thường bắt đầu bằng những chữ: "Một mai, chiều chiều, gió đưa, nực cười v.v..." thật dễ thương và bình dị như ý tưởng và tâm tình của người dân miền thôn dã.

          Ca dao là một kho tàng rộng lớn của dân gian, nó phong phú cả về số lượng và chất lượng. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ nói về tình yêu của người dân quê Bình Định trong tình cảm lứa đôi, tình cảm đối với xóm giềng làng mạc. Ðọc lại những câu ca dao mà tôi còn nhớ được trong tuổi ấu thơ, trong lúc mẹ tôi, chị em bà con trong làng hát ru em hoặc hát hò giã gạo mỗi đêm trăng, vì vậy nó có rất nhiều thiếu sót, mong người đọc niệm tình bỏ lỗi cho.

“Ai về Bình định thăm bà

Ghé vô em gởi lạng trà Ô long

Trà Ô long nước trong vị ngọt

Tình đôi mình như đọt mía lau

          Tình cảm của người con gái quê hương tôi đẹp đẽ dịu dàng, ngọt ngào và sâu đậm như thế đó, thương anh đã đành mà em còn có tình nghĩa với bà con cô bác của anh, cũng như đoạn ca dao dưới đây:

“Anh đi bờ lở một mình

Phất phơ chéo áo giống hình trò Ba

Trò Ba đi học trường xa

Cơm canh ai nấu mẹ già ai coi

          Ngưòi con gái thôn quê dịu dàng và kín đáo, tôi thương anh, tôi sẽ lo cơm nước và chăm sóc mẹ già cho anh qua hình ảnh một cậu học trò tên Ba nào đó, để anh được rảnh rang học hành thi cử, theo quan niệm thời xưa ấy:

“Chẳng tham ruộng cả ao liền

Tham vì cái bút cái  nghiên anh đồ”

          Trai gái miền quê tôi tình cảm đậm đà tha thiết, nó cũng giống như cây tre khóm chuối bờ ao, như những thổ sản mà đồng bào tôi cần cù làm ăn chất phác bằng mồ hôi nước mắt gặt hái được:

“Củ lang Ðồng phó

Ðậu phộng Hà nhung

Chồng bòn thiếp mót bỏ chung một gùi

Chẳng may duyên nợ sụt sùi

Thôi thôi cũng mặc, anh đá gùi anh đi”

Hoặc là:

Một mai dĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ em”

Hay là:

“Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim”

Hoặc là:

“Thương anh mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.

Hay là:

“Chiều chiều ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ

          Người con gái đối với người con trai gắn bó keo sơn là vậy, mà người nam đối với người nữ cũng đậm đà không kém:

“Anh về dỡ gỗ đa đa

Cất nhà lẫm thượng tháng ba em về

Em về coi trước coi sau

Coi nhà mấy cột coi cau mấy buồng”

Hay là:

Thò tay hái trộm trái xoài

Làng xóm bắt được đánh hai chục đòn

Ðắng cay như trái bồ hòn

Bầm gan tím ruột dạ còn thương em”

          Tình cảm lứa đôi của người dân thôn quê thắm thiết đậm đà, nhưng giản dị và mộc mạc như những hình ảnh bình thường mà họ bắt gặp hằng ngày, dù trong lúc gấn nhau hay trong những khi xa cách:

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng

Cá kia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

Hay là:

“Anh đi bỏ quạt lan châu

Bỏ thương bỏ nhớ bỏ sầu cho em”

Hoặc là:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai”

          Không phải lúc nào tình cảm giữa hai người nam nữ trong thôn xóm cũng luôn hòa thuận nhau, mà họ còn lọc lừa kén chọn. Có hơn một lần chàng gặp nàng tỏ ý ngỏ lời như sau:

“Ngó lên trên trời có đám mây xanh

Chính giữa mây trắng, chung quanh mây vàng

Anh chào nàng rồi lại hỏi nàng

Phụ mẫu nhà đã định đức đông sàng hay chưa?

Hay là đón gió chờ mưa?

Có sao nói thiệt sớm trưa anh đợi chờ!”

          Chàng sợ nói thẳng vào vấn đề làm động vỡ mối tình của chàng đã ấp ủ bấy lâu nên nói lòng vòng những là "mây trắng, trời xanh", rồi sau đó mới dám nói rõ ý định. Nhưng nàng có lẽ vì không để ý đến chàng, hoặc vì một lý do nào đó nên nàng đã trả lời một cách lạnh lùng:

“Ðợi chờ, chờ đợi làm chi?

Trai nam nhân anh có vợ, gái nữ nhi em có chồng!”

Và chàng không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục bày tỏ:

“Gió đưa gió đẩy duyên đưa

Gặp đâu hay đó, em kén lừa làm chi?”

Có lẽ nàng sợ gia đình chàng khó khăn nên nàng đã trả lời:

“Chim chuyền nó lựa nhánh mà chuyền

Làm dâu (em đây) lựa chỗ cha mẹ hiền gửi thân”

Anh chàng tức quá không thể nói thêm được nữa, nên đâm ra hờn giận trách nàng:

“Chim quyên nó dại lắm không khôn

Núi chóp vung kia không đậu, đậu chòm cỏ may”

Thật ra chuyện tình yêu giữa nam nữ nơi thôn dã không phải chỉ có riêng cho những người ở lứa tuổi đôi mươi, mà còn ở những độ tuổi lỡ thì, goá bụa:

“Chiều chiều vịt lội bàu sen

Ðể anh lên xuống làm quen với nàng”

Nàng đã trả lời từ chối một cách khôn khéo:

“Ðèn hết dầu đèn tắt

Nhang hết vị hết thơm

Anh đừng lên xuống đêm hôm

Thế gian đàm tiếu nam nồm khổ em!”

Chữ "nam nồm" ở đây thật là kỳ diệu, tuyệt vời, nó diễn tả rất đầy đủ, chính xác hoàn cảnh của người trong cuộc, tiếng thị phi của bà con chòm xóm láng giềng còn khắc nghiệt hơn cảnh gió nam gió nồm thổi lộn nhau vào mùa tháng hai tháng ba ở quê tôi. Ðoạn ca dao trên đây mang đầy chất thơ với thể tỷ đối chính xác và thi vị.

          Khi người con gái cảm thấy nuối tiếc vì mình đã chọn lầm người chồng không xứng ý thì thốt nên những lời trách móc đầy nỗi thương đau:

“Ngọn dềnh dềnh tía

Ngọn tía tô cũng tía

Ngọn rau lang dâm

Ngọn mía cũng dâm

Mai dong tốt nói em lầm

Bây giờ nghĩ lại giận bầm lá gan”

          Dẫu sao thì tình yêu giữa đôi nam nữ nơi thôn quê vẫn luôn đậm đà tha thiết và bình dị, đơn giản và mộc mạc như những hiện thực của nó:

“Chiều chiều mây phủ về kinh

Ếch kêu giếng lạn cảm tình đôi ta

Ðôi ta như lửa mới nhen

Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”

          Tình yêu chỉ đẹp đẽ và tha thiết khi vừa mới chớm nở trong lòng của lứa đôi khi đang tuổi xuân thì "như trăng mới mọc, như đèn mới khêu", những hình ảnh thật đẹp và thật thơ mộng, không thua gì những câu thơ của Xuân Diệu và của Hồ Dzếnh.

          Nói đến ca dao thì không bao giờ kể hết, nó là một kho văn học của dân gian. Ca dao Bình định còn rất nhiều, nhưng người viết thì không nhớ hết, chỉ cố gắng ghi lại những gì còn nhớ được gọi là góp vui cùng cùng bà con cô bác đồng hương, kính mong quí vị niệm tình tha thứ.

VÕ NGỌC UYỂN

Giai phẩm Xuân TÂY SƠN Mậu Dần 1998

 

Mấy nét về ca dao địa danh Bình Định

TRẦN XUÂN TOÀN

 

1. Ca dao địa danh là những câu ca dao gắn liền với một địa danh (tên đất, tên làng, tên núi, tên sông…) Kho tàng ca dao Bình Định có nhiều bài ca dao như thế phản ánh đời sống tinh thần và đời sống vật chất của người dân địa phương.

          Người Bình Định  tự hào về quê hương mình- một quê hương nổi tiếng về danh lam thắng cảnh:

Bình Định có núi Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có Cù lao xanh..

          Sự kết hợp hài hoà giữa núi-sông-biển đã làm cho bức tranh Bình Định thêm sinh động. Rất nhiều thắng cảnh được nhắc đến trong kho tàng ca dao Bình Định. Nói đến phong cảnh Bình Định mà không nó đến tháp cổ Chăm-pa quả là một thiếu sót. Bởi đây là những công trình văn hoá  độc đáo. Người dân Bình Định rất tự hào về những ngọn tháp đó:

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi

Non xanh nước cũng xanh rì

Từ Nam ra Bắc ai cũng đi đường này

          Cầu Bà Gi là nơi gặp nhau giữa quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt. Đây là vị trí mà đi từ Nam ra Bắc ai ai cũng đều nhìn thấy ngọn tháp. Trong quần thể các ngọn tháp ở Bình Định, Tháp Đôi cũng là tháp được nhiều người biêt đến bởi vì nó nằm ngay trên cửa ngõ ra vào thành phố Quy Nhơn:

Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi

Vật vô tri còn đèo bòng duyên lứa

Huống chi ta với mình…

          Cách tháp Đôi chừng 1 cây số là hai cầu đường sắt và đường bộ song song nhau nên gọi là cầu Đôi, bắc qua sông Hưng Thạnh. Chính sự trùng hợp này mà dân gian có cách so sánh độc đáo giữa cảnh vật và sự gắn bó trong tình yêu đôi lứa như vậy.

          Phong cảnh Bình Định làm cho bao du khách ngẩn ngơ khi và khi trở về, cái đọng lại trong họ còn có thêm dư vị các món ăn:

Ai về Tuy Phước ăn nem

Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm

          Ai đã một lần được ăn “nem chợ huyện” thì không sao quên được hương vị đặc sắc của nó. Bên cạnh những  món ăn nổi tiếng, Bình Định còn có nhiều món ăn đặc sản độc đáo, trong đó có những món ăn tuy bình dân nhưng rất hấp dẫn cũng được nhiều người biết đến:

Ai về Bình Định cùng anh

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa

          Bí đỏ và dừa thì nơi đâu mà chẳng có. Thế nhưng bí đỏ xắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với nước cốt dừa có lẽ ít ở đâu có. Sau khi nấu chín, ta sẽ có một món canh bí đỏ vừa bùi, vừa béo, vừa thơm. Ngon tuyệt! Món này thường có ở vùng quê dừa Tam Quan (Hoài Nhơn). Người Bình Định khéo léo trong việc chế biến những món ăn ngon đồng thời cũng có tài làm ra những sản phẩm mỹ nghệ nổi tiếng:

Gò Găng có nón chung tình

Ở đây có một dạ với mình, mình ơi!

          Nếu ai đó đặt chân đến Gò Găng (Nhơn Thành- An Nhơn) thì chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì ở đây hầu như nhà nào, người nào cũng biết chằm nón. Đây là một nghề được lưu truyền từ xưa và cho đến nay vẫn còn là một nghề thủ công chủ yếu của người dân nơi đây. Một sản phẩm thủ công khác cũng nổi tiếng và được nhiều người ưa thích, đó là lụa Phú Phong:

Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ

Nón Gò Găng khắp chợ mến thương

          Tương truyền rằng khi xưa, Nguyễn Ánh bắt được nữ tướng Bùi Thị Xuân, chúng muốn hạ nhục bà bằng cách bắt ngồi trên xe bêu khắp phố. Nhưng chúng không ngờ rằng đây là một vùng dệt lụa nổi tiếng, thế là dân chúng đem hàng trăm cây lụa phủ lên mình bà. Có lẽ chính vì điều này đã góp phần làm cho lụa Phú Phong thêm nổi tiếng chăng?

          Phong cảnh Bình Định đẹp, sản vật Bình Định độc đáo, còn người Bình Định? Người Bình Định rất mến khách, sống có tình nghĩa, có trước có sau, “có mình có ta”, có tình cảm gắn bó giữa các địa phương trong tỉnh:

Em về Đập Đá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng

          Trong tình yêu, con trai, con gái Bình Định rất chân thật. Vì thế lời tỏ tình của họ cũng rất chân chất như tâm hồn của của họ vậy. Họ không có cách tỏ tình “rào trước  đón sau” như “mận” hỏi “đào” mà họ nói thẳng:

Đường lên An Lão  cheo leo

Thương em anh mới băng đèo tới đây

          Chàng trai kia đã lấy nỗi vất vả, gian truân trên con đường đèo dốc để chứng tỏ tình yêu của mình. Và để đáp lại tình cảm mặn nồng của chàng trai, cô gái An Lão cũng bộc lộ tình yêu chung thuỷ của mình.

Bao giờ rừng An Lão hết cây

Sông Lại Giang hết nước thì em đây mới hết tình

Xa nhau một ngày, họ mong chờ đến khắc khoải:

Dừa xanh trên bến Tam Quan

Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu

2. Tên núi, tên sông, tên đồng đã là máu thịt của mọi miền quê hương.

Với người Bình Định, núi thể hiện một không gian đặc biệt trong ca dao địa danh Bình Định. Trong quan niệm thẩm mỹ phương Đông, người xưa thích sự kiên định, tĩnh, vững chãi của núi (non) hơn là sự thay đổi, động, trôi chảy của sông (nước). “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thuỷ” (Người nhân thích núi, người trí thích nước). Người xưa trọng nhân hơn trí, chẳng trách họ thích “đăng cao”. Tên núi- trong ca dao Bình Định- gắn liền với sự kiên định:

Vọng Phu thuộc dãy núi Bà

Phước Sơn chất ngất gọi là núi Ông

Phải chi đây đó vợ chồng

Gánh tương tư khỏi nặng lòng nước non

Núi biểu tượng cho sự tương xứng, hài hoà trong tình cảm:

Hòn Ông đứng trước  hòn Bà

Chồng cao vợ thấp đôi đà xứng đôi

Dáng núi thể hiện khí phách con người Bình Định thượng võ:

An Khê nổi tiếng hòn Bình

Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này

3.Tháp cổ như một đặc trưng của không gian văn hoá trong ca dao địa danh Bình Định

Không chỉ Bình Định mới có tháp Chăm, nhưng tháp Chăm ở Bình Định thật lạ, là “quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát. Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm” (Xuân Diệu- Nhớ quê Nam), là “từ trời xanh- rơi- vài giọt tháp Chàm (…) Tôi như đứa trẻ yêu huyền thoại” (Văn Cao- Quy Nhơn). Bởi vì tháp Chăm trong ca dao Bình Định đóng vai trò như cái đình trong tâm thức người dân Bắc Bộ. Người dân Bắc Bộ mượn cái đình để thể hiện tâm tư:

Qua đình ngã nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

Thì người dân Bình Định cũng biết mượn đến tháp:

- Ngó lên hòn tháp Chợ Dinh

Biết ai còn tưởng nghĩa mình hay không?

- Cầu Đôi mà tháp cũng đôi

Dễ  chi nhân nghĩa mà rời được nhau

Hơn nữa, tháp cổ còn gắn liền với thịnh suy của quê hương:

Vững vàng tháp cổ ai xây

Bên kia Thủ Thiện bên này Dương Long

Nước sông trong dò lòng dâu bể

Tiếng anh hùng tạc để nghìn thu

4. Ca dao về địa danh, hình ảnh con người Bình Định rất phong phú và là một di sản văn hoá vật chất và tinh thần quý báu, gắn liền với cuộc sống lao động xây dựng quê hương của người Bình Định từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.

 

Trần Xuân Toàn

 

 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17