Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

Thương nhớ Hội An" hòn ngọc của Quảng-Nam"

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG (Paris)

Cách nay đúng mười lăm năm, tại vùng đồng bằng ven biển thuộc hạ lưu sông Thu-Bồn ở trong tỉnh Quảng-Nam có một khu phường xưa phố cũ nổi tiếng mà chưa kịp nói ra, thì hầu hết tất cả mọi người cũng đều biết đến. Đó chính là hình ảnh của thắng cảnh Hội-An nhỏ hẹp, và khu phố cổ thu mình nằm vỏn vẹn trong một diện tích khoảng 2km2 nhưng lại là một di sản văn hóa thế giới đã được tổ chức UNESCO chính thức thừa nhận vào năm 1999. Chừng khoảng một thế hệ đời người về trước, thì vào lúc bấy giờ Hội-An cũng vẫn hãy còn là một thành phố bé tí tẹo im lìm như đang còn ngủ say vùi dưới lớp mái ngói rêu phong xám xịt. Và trên lớp mái ngói ngả màu đó, nó vô tình đã bị những bụi cỏ, chùm cây hoang dại xâm thực mọc lên phủ dày, bằng với hình ảnh sắc màu của nhiều nhánh lá xanh non lả lướt đu đưa theo từng cơn gió, trông thật là lạ mắt.

UserPostedImage

Chùa Cầu ở Hội-An

UserPostedImage

Cận cảnh dãy phố cổ Hội-An

 

UserPostedImage



Càng lý thú hơn, là khi lữ khách có dịp đang dừng chân ở nơi đây nhằm lúc có nạn lũ lụt nhận chìm đường sá trong làn nước tràn ngập phố phường. Và trong lúc người dân sở tại đang khốn đốn với thiên tai mất mác, thì ngược lại, đối với kẻ lãng du sẽ là một cơ hội hiếm hoi, để cho họ được dịp thu lại được những tấm hình thật là ấn tượng với cảnh quan của Hội-An có thuyền bè lưu thông trên dòng sông uốn lượn ngoằn ngoèo giữa lòng thành phố cổ. Cùng với mọi hình thức sinh hoạt quen thuộc hằng ngày của người dân sở tại xảy ra trong thời điểm đó, thì chứng tích nầy quả chẳng khác nào được ví như là một hoạt cảnh thờicổ xưa của các thành phố du lịch nổi nổi tiếng hiện đại, hoành tráng hơn ở tại các nước văn minh phương Tây như Bruges, Venise v.v.

UserPostedImage

Phố cảng thuyền buồm Hội-An trong mùa lũ lụt ngày xưa



Còn mới đây, thì trận lụt vào đầu tháng 10 năm 2013 cũng đã nhận chìm đường sá phố cổ Hội-An, và cũng để lại những hình ảnh tương tợ như ngày trước.

UserPostedImage

Thuyền đưa rước du khách trong phố cổ Hội-An ngày nay

 

UserPostedImage

Bến ghe túc trực mời khách đi tham quan



Riêng đối với tác giả, thì Hội-An không những là quê hương của tiện nội mà nó còn là một nơi mà ngày xưa đã từng gắn bó với sự hiện diện của họ tộc gia đình, cho dù ngày nay tộc Nguyễn được coi như là lớn nhất ở tại đây. Hồi tưởng lại ngày tháng trôi qua, hễ cứ mỗi lần có dịp về Hội-An ăn Tết thì lúc nào tôi cũng được người nhà đưa đi dạo từng con đường trong phố vắng, và cũng không quên dắt lại dưới mái trường xưa để chụp hình lưu niệm rồi kể lại những mẩu chuyện học trò còn tuổi ấu thơ! Trong mắt tôi, phố phường Hội-An lúc bấy giờ sao mà nó toát ra được một cái gì quá cổ kính mà tôi không thể nào tìm thấy ở trong bất cứ những thành phố nào mà tôi đã từng đi tới. Từ người gánh hàng nặng trĩu trên vai với cái đòn gánh cong oằn xuống rảo đi thoăn thoắt, đến tiếng con chó sủa nho nhỏ dường như chỉ cần vừa đủ người nghe. Từ tiếng rao bán khoai lang của cậu bé ở trần bận quần xà lỏn, đến âm thanh địa phương của những người vừa đi, vừa nói chuyện huyên thuyên với nhau mà tôi nghe nhưng hiểu được một cách khó...khăn! Và nhất là, hình ảnh duyên dáng của những cô gái có mái tóc thề thướt tha dưới vành nón lá nghiêng nghiêng thường hay e lệ, ấp úng từng câu đối đáp cùng với những chàng trai thanh lịch đến từ ở phương xa. Trong bầu không gian tĩnh mịch tưởng chừng như chỉ nghe được có tiếng gió, và lâu lâu mới nghe được tiếng vọng của động cơ. Cũng như, trên đường sá nhỏ hẹp hồi đó có rất ít bóng dáng người qua lại, và thỉnh thoảng mới nhìn thấy được có người đi xe máy hoặc xe hơi chầm chậm chạy lướt ngang qua.

Tất cả những hình ảnh sinh hoạt đó, lúc bấy giờ đối với tôi là cả một cái gì rất lạ nhưng tôi cảm nhận đầy thú vị.

UserPostedImage

Phố sá Hội-An xưa



Hơn thế nữa, nếu lại là đúng vào dịp Tết thiêng liêng thì cảnh quan phố thị Hội-An lại càng trống vắng, yên lặng! Nhà nào, nhà nấy cửa đóng then cài che khuất bầu không khí sinh hoạt gia đình bên trong chẳng khác nào hình ảnh của một thành phố bỏ ngỏ vắng ít người ở, nếu người ta không còn được nghe tiếng pháo nổ đì đẹt ở ngoài đường của đám trẻ con. Hay như, nếu người ta cũng không còn thấy được có những con lân múa quanh tiếng trống, cùng với bóng dáng lác đác của người dân đi viếng các chùa chiền lễ Phật để cầu an, cầu tài, xin xăm, hái lộc v.v. Thế nhưng sau những phút giây thoáng hiện ra hình ảnh đó, thì cảnh vật cũ xưa lại hiện trở ra với dáng vẻ buồn ơi là buồn! Còn cái chợ nhỏ xíu bên cạnh bờ sông Hoài thì cũng vậy, hầu hết mọi sự sinh hoạt trao đổi bán mua hằng ngàyđều được nhìn thấy nó diễn ra một cách chậm chạp, không hối hả rộn ràng như nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, chính nhờ có những hình ảnh êm đềm đáng yêu đặc biệt nầy mà nó đã vô tình tạo thành dấu ấn sâu đậm từng gây nhiều cảm khái vào lòng lữ khách, cũng như làm rung động được tâm hồn nhạy cảm của hầu hết mọi người.

UserPostedImage

Cảnh cũ phố xưa ở Hội-An



Rồi theo dòng thời gian, thật không ai ngờ cảnh quan của những tường vách cũ kỹ loang lở ngả màu, những dãy nhà lụp sụp mốc xì Hội-An ngày nay đã được nước nhà thừa nhận coi như là hòn ngọc của Quảng-Nam, là thành phố du lịch quốc tế của Việt-Nam được thế giới du lịch phương Tây biết đến rất nhiều. Và giờ đây, không có tour du lịch quốc tế quan trọng nào đến Việt-Nam, mà không có lộ trình đến tham quan phố cổ Hội-An. Còn đối với du khách nội địa, thì hình ảnh của địa danh Hội-An chính là biểu tượng cho một phố cảng thuyền buồm đầu tiên ngày xưa giao thương ra thế giới bên ngoài, mà ngày nay, họ có nhu cầu cần muốn đến viếng thăm tìm hiểu.

Ngày nay, sự lý thú của du khách đến với Hội-An là khi họ nhìn thấy những chứng tích cổ xưa có giá trị đa dạng về nhiều mặt trong quá trình sinh hoạt văn hoá xã hội dân gian còn được tồn tại đến bây giờ. Và như mọi người đều biết là suốt trong thế kỷ 17 và 18, thì Hội-An do nhờ có hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện dễ dàng, cho nên đã được các thương thuyền hàng hải nước ngoài thường xuyên ghé cảng để trao đổi hàng hóa, mua bán nhộn nhịp.

UserPostedImage

Phố cảng thuyền buồm Hội-An nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới



Trong hoàn cảnh lịch sử giao thoa đó, diện mạo phố phường ở tại địa phương cũng lần được xây dựng thành hình khác lạ để đáp ứng nhu cầu theo đà phát triển về kinh tế của xã hội sở tại. Do vậy, chính những hình ảnh kiến trúc nhà cửa, chùa chiền được mọc lên thời bấy giờ mang đậm màu sắc trộn pha phong tục, tập quán giữa các sắc dân đến từ ở phương xa, thì đó quả là một bằng chứng để nói lên được sự phồn thịnh của phố cảng Hội-An ngày trước.

UserPostedImage

Bảo tàng sống Hội-Anvới lối kiến trúc đô thị cổ



Và giờ đây, cho dù trải qua bao thời kỳ chiến tranh cũng như từng trải qua bao thời kỳ lịch sử mở mang kiến thiết, phát triển văn hóa, xã hội. Nhưng thành phố Hội-An đã may mắn, tránh thoát khỏi được các hình thức thực hiện dự án trong các chương trình nhằm chỉnh trang đô thị hóa toàn bộ phố phường. Do nhờ vậy mà bây giờ Hội-An còn giữ đựợc nhiều đường nét cổ kính, và được coi như là một thành phố xưa mang đậm tính nhân văn xã hội trong nếp sống của người dân vào thời bấy giờ. Nói cách khác, Hội-An là thành phố cổ duy nhất của Việt-Nam mà trong quá trình kiến tạo phát triển đã tránh thoát khỏi được tình trạng đô thị hóa toàn bộ phố phường, và hiện còn được bảo tồn với nhiều di sản văn hóa xã hội dân gian địa phương thật là phong phú và đa dạng.

UserPostedImage

Kiến trúc nhà cửa Hội-An xưa



Là thành phố có địa hình nhỏ hẹp trực thuộc tỉnh Quảng-Nam, Hội-An có vị trí nằm cách Đà-Nẳng 30km về phía Đông-Nam, và có bờ biển dài 7km cùng với bãi cát trắng thiên nhiên nên thơ chạy dài theo Cửa Đại. Ở Hội-An cái gì cũng nhỏ! Từ căn nhà, con đường, cái chợ, hàng quán v.v đều được nằm thu gọn trong một diện tích tự nhiên toàn thành phố cũng nhỏ, cùng với sự thống kê cho biết vào năm 2009 có được 90.543 người. Riêng về diện tích các hải đảo, thì đã chiếm lên đến khoảng ¼ trong toàn phần của dải đất Hội-An.

Hội-An khi xưa bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 là một phố cảng thuyền buồm đầu tiên tiếp xúc với các thương thuyền nước ngoài, cũng như cùng lúc đón nhận các giáo sĩ Bồ-Đào-Nha, Hà-Lan, Pháp đến từ ở phương Tây. Và họ gọi tên của Hội-An là Faifo, do đọc trệch ra theo thổ âm là Hoài-Phố vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự có mặt cộng cư của hai sắc dân Nhật, Hoa đã được lịch sử xã hội địa phương ghi nhận là những thành phần từng đến với người dân ở Hội-An sớm nhất.

UserPostedImage

Hội quán Phúc-Kiến



Và người Hoa họ đến Hội-An với con số đông hơn, nhất là vào thời kỳ nhà Minh suy tàn cho nên họ có nhiều điều kiện dễ dàng để đứng ra tạo thành các hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tương thân, tương trợ v.v. Do vậy, ngày nay các di tích chùa chiền, bang hội của họ còn để lại trên đất Hội-An khá nhiều như nào là chùa Kim-An (Phúc-Kiến năm 1792), chùa Ông Bổn (Triều-Châu năm 1845), chùa Quỳnh-Phủ (Hải-Nam năm 1875), chùa Quảng-Triệu (Quảng-Đông năm 1885) v.v.

Còn người Nhật-Bản đến với Hội-An trước hay sau người Hoa, thì cũng có thể còn được nằm trong dấu hỏi. Nhưng chứng tích trên các bia mộ cổ của những thương gia Nhật-Bản hiện nay ở Hội-An, thì nó đã cho người ta thấy là đã có sự hiện diện của họ trên cục đất nầy rất lâu đời. Đó là trường hợp ngôi mộ của ông Gu-Sokukun, có ghi niên đại xây vào năm 1629. Ngôi mộ của ông Tani-Yajirobei quê ở Hirado (Nagasaki) được khắc rõ 2 chữ Nhật-Bản và ghi có niên đại 1647. Và ngôi mộ của ông Banjiro có ghi niên đại 1665, đặc biệt phía sau bia mộ có ghi văn tự bằng tiếng Nhật, và thường được dòng tộc hậu duệ đời thứ 21 thường có đến viếng thăm. Vả lại, từ lâu ba ngội mộ nầy cũng đã được đồng bào địa phương thường xuyên giữ gìn, và chăm sóc việc khói hương như là người thân thuộc của quê làng.

UserPostedImage

Ngôi mộ của ông Tani-Yajirobei



Theo tài liệu thống kê chính thức của năm 2000, thì tại địa bàn Hội-An đã có tới 1.360 di tích. Và về các di tích, thì được chia ra làm thành nhiều loại gồm có: 1 cầu, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 19 chùa, 23 ngôi đình, 38 nhà thờ tộc, 43 miếu thờ thần, 44 ngôi mộ cổ và 1.068 nhà cổ. Nói riêng, có khoảng hơn 1.100 di tích trong số nầy nằm trong khu cực thành phố cổ. Trong số các nhà cổ đó, thì có ba ngôi nhà cổ rất đẹp. Đó là nhà cổ Quân-Thắng có niên đại gần 150 năm, nhà cổ Phùng-Hưng xây dựng vào năm 1780 có tuổi thọ hơn 200 năm, lưu truyền đến thế hệ thứ tám và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

UserPostedImage

Nhà cổ Phùng-Hưng



Đặc biệt là nhà cổ Tấn-Ký được xây dựng lên gần 200 năm với phần nội thất được trang trí bằng những vật liệu rất tốt bền vững với thời gian. Cho đến nay, nhà cổ Tấn-Ký là nơi lưu truyền cư ngụ đến cả bảy thế hệ trong một gia đình, và hằng năm có con số du khách viếng thăm lên tới hàng chục vạn người. Đây là ngôi nhà cổ duy nhất tại Hội-An, từ lâu đã được các nhà nguyên thủ quốc gia cũng như quốc tế từng có đến tham quan. Hiện nay, ngôi nhà cổ Tấn-Ký đã chính thức được Bộ Văn-Hóa xếp vào hạng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt.

UserPostedImage

Nhà cổ Tấn-Ký



Giờ đây, cả ba ngôi nhà cổ nầy được coi như là tiêu biểu cho hình thức kiến trúc xưa của một thời phố Hộị còn giữ nét nguyên vẹn sắc màu truyền thống xây cất bằng vật liệu gỗ quý đen mun bền vững tuyệt vời, cùng với mái ngói âm dương chất lượng cao vươn ra chống chọi lại mưa nắng gió sương khắc nghiệt. Và rồi theo từng dãy tiếp dãy ngôi nhà cổ kính quanh co mà khi mới nhìn thoáng qua, thì người có cảm tưởng rằng là cảnh quan ở phố cổ nầy cái gì cũng bị ngả màu rêu phong phủ kín như hình ảnh của một bức tranh tĩnh vật im lìm.

Tuy nhiên, ngày nay dấu ấn di sản văn hóa thế giới của bức tranh toàn cảnh Hội-An không chỉ nằm ở trong đất liền mà nó còn vươn tận ra ngoài hải đảo. Và như mọi người đều biết, cù lao Chàm là một xã đảo của Hội-An nằm cách Cửa Đại 15 km, từng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009 do nhờ có điều kiện khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ cùng với một hệ động thực vật được các nhà khoa học đánh giá rất là đa dạng, phong phú.

UserPostedImage

Cù lao Chàm



Đến với cù lao Chàm, người ta sẽ có dịp ngắm nhìn được những rạn san hô muôn sắc, muôn màu tuyệt đẹp chìm sâu dưới làn nước xanh lơ, và chứng kiến được hoạt cảnh của những đàn yến bay nhanh uốn lượn vào bầu không khí trong những buổi chiều tà, hoàng hôn nắng nhạt. Cù lao Chàm là một quần thể bao gồm có 8 đảo là hòn Ông, hòn Tai, hòn Dài, hòn Lá, hòn Lao, hòn Mồ, hòn Khô mẹ và hòn Khô con, cùng với tổng số dân không quá 3.000 đầu người. Và cũng chính vì nhờ có nhiều lợi thế, mà cù lao Chàm bây giờ từng được mệnh danh là một thiên đường biển duy nhất, rất thích hợp cho những thành phần du khách kén chọn tìm đến tham quan một địa điểm có môi trường thiên nhiên trong sạch. Hơn thế nữa, cù lao Chàm cũng còn là một nơi từng đạt được thành tích về công ích bảo vệ môi trường sinh thái mà hầu hết các địa điểm du lịch khác ở trong nước hằng mơ ước. Đó là thành tích đạt được tiêu chí hai không: -Không có túi ni lông, và Khôngcó rác thải.

UserPostedImage

Cảnh đẹp như tranh ở cù lao Chàm



Do vậy, chính vì cảnh quan non nước cù lao Chàm có sức lôi cuốn khách lãng du một cách khác thường. Cho nên, ngày nay thương hiệu du lịch cù lao Chàm không còn là của riêng của thành phố Hội-An nữa, mà nó đã tự bùng nổ trở thành của chung của các công ty quảng bá du lịch ở khắp cả thành phố lớn như Đà-Nẳng, Huế, và nói chung là ở khắp cả nước.

UserPostedImage

Lặn ngắm san hô ở cù lao Chàm



Nếu ở trên đất liền Hội-An, trong khi du khách chưa đi viếng thăm các làng nghề và thánh địa Mỹ-Sơn, thì thời gian kế tiếp sẽ không có gì lý thú cho bằng phải ra hải đảo, để có dịp tiếp tục thưởng thức thiên nhiên với quang cảnh bao la trời nước, núi đồi có dáng vẻ thơ mộng hữu tình. Trên chiếc thuyền bồng bền trên mặt nước hay trên chiếc xe đạp chạy quanh co, du khách sẽ bắt gặp những cảnh vách đá dựng bị sóng đánh từng đợt trắng xóa quanh năm tạo thành nên các hình thù quái dị khác nhau. Còn cạnh bên, là những bãi cát trắng mịn chạy dài như muốn nối liền cùng nhau giữa các hải đảo. Và quần thể cù lao Chàm đó cũng đã là một hải đảo mà từ lâu người dân địa phương từng tự hào, là có ý thức bảo vệ làm tốt môi trường sinh thái hơn bất cứ nơi nào khác. Họ, (các dịch vụ giải trí) sẽ chào đón du khách bằng với tất cả tấm lòng thân thiện, cởi mở và lúc nào cũng sẵn sàng muốn có dịp lắng nghe qua mọi sự trao đổi ý kiến để phục vụ cho du khách được hài lòng. Do vậy, mặc dù các dịch vụ vui chơi giải trí tại đây tuy không nhiều nhưng nó thể hiện ra được cái tình người dân dã muốn giỡn sao thì nói vậy người ơi! Vả lại, du khách cũng sẽ rất thú vị khi nghe anh lái đò nói chuyện vui đùa với giọng Quảng rặc rằng đội ngũ thuyền chèo của cù lao Chàm lúc nào cũng cố gắng...chạy tới bến, để đưa khách lãng du qua tận bên bờ.

UserPostedImage

Một góc nhìn ở cù lao Chàm



Ở cù lao Chàm, ngoài cái thú vị được ngắm nhìn thế giới đại dương thiên hình vạn trạng của màu sắc lung linh phản chiếu từ những rạn san hô kỳ ảo, cùng với đủ loại mực, ốc, cua, sứa, cá có hình thù khác lạ xinh đẹp muôn màu kéo nhau lội theo từng đàn. Rồi thì, du khách lại còn có dịp nhìn thấy thêm cả các tổ yến bám chặt theo những vách đá cheo leo từ trong hang núi.

UserPostedImage

Tổ yến trong hang động



Càng lý thú hơn, là khi du khách bất ngờ tìm hiểu thêm được về nghề khai thác yến ở cù lao Chàm đã đi vào hoạt động từ cả trăm năm qua với một nguồn lợi nhuận thu vào rất lớn, và được ví như là một loại vàng trắng với giá cả trên thị trường hiện nay là trên dưới khoảng 3.000USD/kg. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc làm bóc gỡ các tổ yến của những người công nhân lao động, thì chẳng khác nào hình ảnh của những người dơi treo mình đu đưa qua lại trên những chiếc thang tre được nối dài cao nghệu từ dưới đất lên tới nóc hang động. Chính vì vậy mà nó đòi hỏi đôi chân, bàn tay của người công nhân lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận đề phòng từng chút một trong lúc xê dịch khi gỡ tai yến. Còn yến sào khi được đem ra bày bán thì như ai cũng biết, là ngoài công dụng hiệu nghiệm về y dược thì món ẩm thực nầy lúc nào cũng có chất lượng cao đúng theo như ý nghĩa giá trị đặc biệt của nó, là loại cao lương mỹ vị, mắc tiền. Và cho dù bây giờ với phương pháp kỹ thuật mới, là người ta làm nhà, làm tổ rồi dùng còi âm thanh réo gọi đàn yến về ở tổ thì đã tránh được sự nguy hiểm cho công nhân, giảm thiểu được thời gian trong quy trình thu hoạch, nhưng loại ẩm thực nầy bao giờ cũng không phải là quen thuộc đối với những thành phần con người có mức thu nhập bình dân.

UserPostedImage

Khai thác gỡ tổ yến trong hang động



Hiện nay, vì cù lao Chàm còn chưa được khái thác mở mang du lịch đúng mức như không có nhà nghỉ cao cấp, khách sạn, nhà hàng cho nên số du khách thường đến tham quan trong ngày rồi về. Do vậy, đối với những người nào yêu thích với thiên nhiên thì họ cảm thấy rằng cần phải kéo dài thêm thời gian lưu lại ở nơi đây, để có dịp khám phá ra thêm về nét sinh hoạt êm ả địa phương. Và họ đã chọn phương tiện đến ở cùng nhà dân, hay nhà nghỉ đơn sơ nhưng vẫn có đầy đủ với tiện nghi của nơi hải đảo. Rồi họ sẽ có dịp lên rừng thám hiểm chim muông, cây cối xinh đẹp hoang dại hay trở lại viếng thăm một lần nữa các thắng cảnh địa phương như nào là hang Bà, hang Tò-Vò, suối Mơ, suối Tình, hòn Bao Gạo. Hoặc họ muốn cần chụp thêm vài tấm ảnh có màu sắc văn hóa ở cù lao Chàm như Lăng tiền hiền, chùa Hải-Tạng xây dựng vào năm 1758, miếu thờ tổ nghề Yến từ năm 1843, giếng xóm Cấm, lăng Ông Ngư, khu di chỉ Bãi Ông, Bãi Làng v.v.\

UserPostedImage

Chùa Hải-Tạng ở cù lao Chàm



Trở lại nét văn hóa và thắng cảnh đa dạng của mảnh đất Hội-An, người ta không thể nào không thể tìm đến tham quan những làng nghề truyền thống như làng rau Trà-Quế, làng gốm Thanh-Hà, làng mộc Kim-Bồng, và làng đúc đồng Phước-Kiều. Làng đúc đồng Phước-Kiều trong những thập niên trước đây được kể như là có nguy cơ mai một, nhưng nhờ thời cơ du khách ngày càng đến tham quan phố cổ Hội-An nhiều hơn, cho nên ngày nay nghề nầy như đã được dịp hồi sinh. Còn làng rau, làng mộc và làng gốm thì nhờ ở sát cạnh thành phố Hội-An cho nên đã được rất nhiều du khách thường xuyên cỡi xe đạp, hay đi bách bộ thể thao tới lui thăm viếng.

Tại làng Rau-Quế, người nông dân địa phương trồng đầy những loại cọng rau thơm, tía tô, diếp cá, quế, húng, xà lách, hẹ, hành, ớt, rau muống, ngò v.v. Và từ xa khi mới thoáng nhìn vào, người ta cứ tưởng đó là vườn hoa được trồng ngay hàng thẳng lối.

UserPostedImage

Làng rau Trà-Quế



Còn làng gốm Thanh-Hà thì đã có mặt tại địa phương từ hàng trăm năm qua và có nhiều cơ hội để ngày càng mở mang phát triển, vì nhờ có tinh thần biết duy trì ngọn lửa yêu nghề của những gia đình sinh sống kế nghiệp theo truyền thống cha truyền con nối. Đặc biệt, là làng mộc Kim-Bồng bắt đầu phát triển từ cuối thế kỷ 16 là một nơi đã từng cống hiến nghệ thuật tạo nên những công trình kiến trúc phố thị cổ Hội-An, cũng như về kỹ thuật đóng ghe thuyền và chế tạo thành đồ gia dụng. Ngày nay, mỗi khi người ta có dịp viếng thăm các ngôi nhà cổ hay các đình làng, chùa miếu, hội quán ở địa phương thì sẽ thấy rõ ràng về nghệ thuật thiết kế nội thất trong đó thật là khéo léo. Nhất là khi nhìn vào những tác phẩm có đường nét chạm khắc trên các cột kèo, án thư, bàn ghế, tủ giường trong phố cổ nầy thì người ta phải hiểu rằng, đó chính là do bàn tay của những người thợ mộc ngày xưa ở tại làng nghề Kim-Bồng gọt đẽo công phu kết chặt thành hình. Và, hơn thế nữa, vào lúc bấy giờ thì những người thợ mộc tài hoa ở Kim-Bồng cũng còn được triều đình Huế trọng dụng triệu về kinh đô để tiếp tay thực hiện các công trình xây dựng ở cung đình.

UserPostedImage

Nét đẹp kiến trúc của Nhà Bảo-Tàng Văn-Hóa Dân Gian Hội-An

 

UserPostedImage

Du khách và nét đẹp phố cổ Hội-An



Giờ đây, hầu hết du khách đến viếng thăm phố cổ Hội-An bé nhỏ thì không ai quên ghé qua các hệ thống Bảo-Tàng chuyên đề nằm ở các địa điểm khác nhau. Riêng Nhà Bảo-Tàng Văn-hóa Dân Gian ở Hội-An thì tọa lạc trong một ngôi nhà cổ điển hình cho lối kiến trúc xưa tại địa phương, và từ lâu đã được khánh thành vào năm 2005. Trong không gian nhỏ hẹp, nơi đây có trưng bày giới thiệu về bề dày lịch sử văn hóa địa phương bằng với các loại hình sáng tạo nghệ thuật dân gian. Cùng với các chứng tích hình ảnh sinh hoạt cộng đồng mang tính biểu tượng, thể hiện ra đường nét giá trị văn hóa phi vật thể của nhiều thế hệ cư dân trong quá trình giao lưu sinh tồn nơi bản địa. Ngoài ra, các bảo-tàng chuyên đề khác như Văn-Hóa Sa-Huỳnh, Lịch-Sử Văn-Hóa, Gốm Sứ Mậu-Dịch cũng đã có trưng bày những hiện vật giá trị thời niên đại cổ trên dưới 2000 năm. Nói chung, là thông qua những hiện vật đã được các nhà khảo cổ khai quật, các báu vật sưu tập của dân gian, các mô hình văn hóa thể hiện mọi hình thức sinh hoạt văn nghệ như múa hát bài chòi, bả trạo. Cũng như, các sản phẩm thủ công công phu thẩm mỹ, chất lượng cao trải qua nhiều thời kỳ niên đại của lớp người cộng cư đã phản ảnh được rất nhiều về phần hồn, và màu sắc đa dạng của phố cảng thuyền buồm Hội-An ngày xưa nằm trên trục giao thông của các thương thuyền qua lại trên thế giới.

Và sau khi tham quan các hệ thống Bảo-Tàng chuyên đề nơi phố cổ Hội-An, thì một địa điểm du lịch nổi tiếng quốc tế khác cũng vô cùng hấp dẫn, ngoạn mục không kém cũng nằm chung ở trên dải đất Quảng-Nam đang chờ đón tất cả mọi thành phần du khách viếng thăm. Đó là thánh địa Mỹ-Sơn khoảng cách Hội-An 40km, một công trình kiến trúc tháp cổ Chàm đã được tổ chức UNESCO bình chọn là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 ở tại Marrakech (Maroc).

UserPostedImage

Thánh địa Mỹ-Sơn một thời vàng son rực rỡ

 

UserPostedImage

Họa tiết trang trí trên tháp Mỹ-Sơn



Mỹ-Sơn là thánh địa Ấn-Độ giáo của vương quốc Chămpa, gồm có một quần thể tháp Chàm được xây cất lên kể từ thế kỷ IV từng có một bề dày lịch sử văn hóa vàng son rực rỡ. Khu di tích Mỹ-Sơn đã được phát hịện đầu tiên, vào năm 1885. Và trải qua sau hai giai đoạn nghiên cứu từ năm 1898 cho đến năm 1904 của các nhà khảo cổ như Louis de Finot, Lunet de Lajonquière, Henri Parmentier v.v. Sau cùng, người ta được biết rằng họ đã phân loại khu di tích nầy ra thành 7 phong cách nghệ thuật được kiến tạo theo quá trình tiến triển trong số trên 70 công trình kiến trúc. Và sự kết cấu của mỗi cụm kiến trúc tuy có khác nhau về niên đại, nhưng về hình thức nghệ thuật xây dựng tổng quát đều theo cùng một phương pháp với quy trình giống như nhau. Và ngày nay, nhờ có bia ký còn lưu lại mà ngườì ta được biết là vua Bhadravarman chính là người đầu tiên sáng lập ra thánh địa Mỹ-Sơn vào thế kỷ IV sau công nguyên. Những vì vua kế nghiệp sau khi đăng quang thì đều phải đến Mỹ-Sơn để dâng cúng lễ vật tạ ơn các vị thần và tưởng niệm các đấng tiên vương, cùng lúc với việc trùng tu, xây cất thêm những tháp mới dành cho hậu sự. Nói cách khác, thánh địa Mỹ-Sơn chính là một khu lăng tẩm hoàng gia mà cũng là trung tâm đền tháp Ấn-giáo của vương quốc Chămpa nằm trong khu vực Đông-Nam-Á.

Trong bia ký số XII, bài minh thứ hai khắc năm 1081 ở tháp D3 nói về thời điểm vào niên dại 1003 trình bày về những đồ cúng tiến của nhà vua Harivarma được viết bằng chữ Phạn có đoạn được dịch ra như sau:

Kính chào,

Cúi lạy thần Siva,

Đức vua Praleyesvatra Dharmaraja thuộc dòng tộc Narikela (tộc Dừa) là người sinh ra người thừa kế ngoan ngoãn trong dòng tộc Kramuka (tộc Cau). Người thừa kế nầy có con trai là vua Harivamadeva, một người có tấm lòng đầy nhiệt thành với công việc hoàng gia, đã xua đi bao nhiêu điều xấu của Chămpa, và ngay trong kỷ nguyên Kali nầy, còn làm cho đất nước phồn vinh trên thế giới nầy chứ không hề có gì suy vi cả....

Một bài minh khác được khắc trong đền Mỹ-Sơn bằng chữ Chàm trên cây cột bia ký số XXV, niên đại 1156 SAKA (năm 1234 sau công nguyên) với bản dịch như sau:

Đây là Vua, hoàng thượng Sri Jaya Paramesvaravamadeva, tức On Ansaraja của Turai-Vijaya. Suốt thời gian thảm họa của cuộc chiến do người Cambodge gây ra kéo dài 32 năm, Ngài là vị vua duy nhất (Ekaechatra) ở vương quốc Chămpa. Ngài đã cho phục dựng lại tất cả những linga ở phía nam như các linga của Yàn Pu Nagara. Và các linga ở phía bắc như linga của Srisanabhadresvara. Ngài cũng đã cúng một kosa bằng bạc cùng với khuôn mặt vàng, và một kosa của Bhrgu cùng tất cả những vật dụng bằng vàng bạc vào năm 1156.

UserPostedImage

Vết tích điêu tàn ở Mỹ-Sơn

 

UserPostedImage

Sinh thực khí Linga ở Mỹ-Sơn



Tổng hợp ý nghĩa của toàn bộ bia ký tại đền tháp Mỹ-Sơn, người ta được hiểu dân tộc Chămpa ngày trước tôn sùng sinh thực khí Linga, và đấng tối cao Siva là vị thần bảo hộ hoàng gia cũng như đất nước tổ tiên của họ. Do vậy, hầu hết những đền thờ chính (Kalan) ở Mỹ-Sơn, người ta nhận thấy đều phải có một trong hai hình ảnh biểu tượng đó, nó có ảnh hưởng sâu đậm vào trong đời sống văn hóa tâm linh của họ. Riêng về mô hình kiến trúc xây dựng nên đền tháp Mỹ-Sơn, cho dù nó có mang hình ảnh sắc thái hội tụ gồm bằng nhiều phong cách. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đạt được tính thuyết phục rõ ràng, về kỹ thuật (công thức nguyên liệu) nào làm cho dính trết với nhau giữa từng những viên gạch, những mảnh trang trí bằng sa thạch ở chung quanh. Còn về nghệ thuật tạo nét họa tiết trang trí đền tháp Mỹ-Sơn, thì nó toát ra được một hình thức điêu khắc Chăm mang ảnh hưởng sâu đậm của Ấn-Độ thể hiện sự độc đáo về sức sống nội tâm sâu lắng của con người, qua những đường nét hình tượng tượng trưng về bức tranh tổng thể trong quá trình sinh hoạt xã hội dân gian với thiên nhiên cỏ cây, cầm thú. Khu đền tháp Mỹ-Sơn là vùng đất thiêng của người Chăm về mặt văn hóa tâm linh, và Đồ-Bàn (Vijaya) là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa.

Trở lại các di sản văn hóa lịch sử của những thành phần sắc dân cộng cư ở mảnh đất Hội-An ngày trước, thì người ta không thể nào không nhắc đến trước tiên một công trình phúc lợi xã hội của người Nhật-Bản. Đó là Chùa Cầu.

UserPostedImage

Chùa Cầu trong đêm lồng đèn



Được chính thức chọn làm hình ảnh biểu tượng cho thành phố cổ Hội-An ngày nay, chùa Cầu ngày xưa là một cái cầu bằng gỗ đã được người Nhật-Bản xây cất lên vào khoảng thế kỷ 17. Trước năm 1653, thì người ta gọi tên của nó là cầu Nhật-Bản hay là Lai-Viễn-Kiều. Sau đó, vì có một ngôi chùa dựng lên kề bên cho nên lần lần người ta quen gọi ra thành tên chùa Cầu thay vì phải gọi là cầu Nhật-Bản. Và trong chùa Cầu hay cầu Nhật-Bản đó, thì không có thờ Phật. Cầu Nhật-Bản được xây dựng bằng gỗ, sơn son chạm trổ rất công phu và có chiều dài 18m theo dáng hình chữ Công, bắc qua con lạch thông ra sông Hoài. Về sau, trải qua mấy đợt trùng tu thì hình ảnh của cầu Nhật-Bản đã bị biến dạng theo lối kiến trúc cổ của người Nhật, nhưng hai hình tượng linh vật theo tín ngưỡng vật tổ của nước Nhật ngày xưa (một đầu là tượng khỉ, một đầu là tượng chó) ngồi chầu trước cổng vẫn hãy còn nguyên vẹn như cũ. Và ngày nay, dường như là hầu hết tất cả những du khách Nhật-Bản nào mỗi khi có dịp đến tham quan chùa Cầu, thì họ cũng không bao giờ quên tưởng niệm thắp một nén hương.

UserPostedImage

Biểu tượng phố cổ Hội-An



Đối với người dân Hội-An, thì cầu Nhật-Bản là một hình ảnh đẹp, một công trình di sản kiến trúc văn hóa nghệ thuật quý hiếm, đánh dấu mối tương quan giao hảo cộng đồng đầy ý nghĩa thân tình giữa những lớp người cộng cư trên địa bàn sở tại trong thời quá khứ. Và ngày nay, vô hình trung nó đã trở thành một chiếc gạch nối liền kỷ niệm thân tình của hai dân tộc Việt-Nhật. Chính vì lẽ đó, mà bây giờ cả hai quốc gia đều thừa nhận cây cầu Nhật-Bản là cái mốc giao lưu lịch sử văn hóa hai chiều, để cùng nhau trao đổi tín hiệu văn hoá nghệ thuật, tiếp tục phát huy tình hữu nghị lâu bền sẵn có thêm được sâu đầy hơn nữa. Do vậy, cho nên hàng năm ngay tại khu chùa Cầu Hội-An đều có diễn ra ngày lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật trong bầu không khí nhiệt tình vui vẻ. Vả lại, từ lâu đối với người trong xứ Nhật-Bản thì địa danh phố cổ Hội-An Việt-Nam tuy họ chỉ có dịp nhìn thấy có dấu chấm trên bản đồ, nhưng đối với những thành phần lãng du nào đó, thì hình ảnh Hội-An ngày nay đã trở nên quen thuộc. Lý do, vì họ là những du khách yêu mến đất nước Việt-Nam, và từng có đến với phố cổ Hội-An ít nhất cũng một hoặc vài lần.

Và trong những ngày xảy ra lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật đó, thì nước bạn cũng đã phối hợp cùng với người dân Hội-An cùng nhau tổ chức những chương trình trình diễn văn hóa nghệ thuật thuần túy của hai dân tộc. Mặc dù các tiết mục trình diễn trong chương trình tổ chức lễ hội hằng năm đều có sự thay đổi, nhưng hình ảnh của những màn ca hát, các điệu múa dân gian dặc biệt là điệu múa Bon (Bon-Odon), trình tấu âm nhạc, biểu diễn võ thuật kiếm pháp Samurai, thuyết trình và giao lưu thư pháp. Cũng như về nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật xếp giấy từ cái lồng đèn, cá chép, cây nêu v.v kiểu mẫu Nhật-Bản, thì lúc nào cũng đều được người dân phố cổ Hội-An cùng hàng du khách bốn phương tán thưởng hoan nghinh nhiệt liệt. Và bên cạnh đó, thì người dân Hội-An cũng mời lại họ cùng tham gia vào những cuộc tranh tài như kéo co, thi lắc thúng chai, thả diều, thả hoa đăng, thi đua ghe, thậm chí cả chơi bài chòi v.v.

UserPostedImage

Nghệ sĩ Nhật-Bản trình diễn trong ngày lễ hội giao lưu văn hóa"Hội-An-Nhật-Bản"

 

UserPostedImage

Múa kiếm Samurai



Đặc biệt, trong năm vừa qua nhân ngày kỷ niệm đánh dấu 40 tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt-Nhật, người dân Hội-An lại có thêm được dịp mở hội đón tiếp rất nhiều yếu nhân, cũng như các thành phần du khách bạn đến từ xứ Nhật. Họ đến tham gia cùng Hội-An - Japan Festival với tính cách là những người bạn cố tri, để cùng nhau củng cố tình kết nghĩa bạn bè láng giềng tốt đẹp. Và đồng thời, họ cũng có mang theo những tín hiệu phấn khởi về phương án tài trợ trùng tu các công trình di sản thế giới có tính cách giá trị văn hóa lịch sử cần phải được bảo tồn nơi phố cổ.

UserPostedImage

Liên hoan lễ hội Hội-An Japan



Trong dịp nầy, một số nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng ở Nhật-Bản cũng có mặt tham gia chương trình liên hoan văn nghệ hào hứng kéo dài trong những đêm ngày thu hút hàng vạn khán giả lần lượt đến xem thích thú. Và về phần chủ nhà, thìngười dân Hội-An cũng có trình diễn văn nghệ hợp xướng, múa trống Cơm, trình nghề và trưng bày nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương, đặc biệt là lồng đèn. Vào lúc đó, thì trên đường phố du khách tràn ngập ghé vào các cửa tiệm bày bán la liệt đủ loại mặt hàng từ đồ gia dụng tới quà kỷ niệm như bánh kẹo, áo quần, giày dép đến tranh vẽ, thư pháp v.v. Còn các quán bar, nhà hàng thì chật ních người nhưng hình như ai nấy cũng đều tự nhìn thấy được phảng phất có một sự lắng sâu gợi tình dưới bầu không gian trong ngày lễ hội.

Ngoài ra, tại Hội-An cũng còn có xảy ra những ngày lễ hội hằng năm khác làm khuấy động không khí êm ả của ngày thường nơi phố cổ như nào là lễ vía bà Thiên-Hậu, lễ vía bà Thu-Bồn, lễ tế cá Ông, lễ giỗ tổ nghề Yến, lễ rước Long-Chu, lễ dự hội cầu Bông v.v. Và cũng đã được người dân địa phương đứng ra tổ chức thật là chu đáo, trang nghiêm và vui vẻ.

Sau cùng, là mới đây hình ảnh của "Festival Di-Sản Quảng-Nam 2013" vừa quađã từng thu hút được con số du khách kỷ lục đến phố cổ Hội-An, và để lại cho họ rất nhiều ấn tượng về tính địa phương với bản chất con người sở tại. Nhất là sau khi họ có dịp tham dự đêm liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt-Nam với sự góp mặt của các nghệ sĩ ở khắp vùng miền trong nước. Vả lại, du khách cũng đến đúng vào dịp có cuộc thi "Hoa-Hậu Các Dân-Tộc Việt-Nam" lần thứ 3 đã tổ chức vòng chung kết xảy ra tại Hội-An. Cho nên, ngày lễ hội đó cũng là cơ hội tốt cho du khách nhìn thấy về nét duyên dáng của những người đẹp đại diện cho các dân tộc anh em trong toàn quốc hội tụ về đây lưu lại những bức chân dung bên cạnh chùa Cầu, thánh địa Mỹ-Sơn v.v.

UserPostedImage

Các thí sinh trong cuộc thi "Hoa-Hậu Các Dân-Tộc Việt-Nam" năm 2013
trong cuộc hành trình đến tham quan thánh địa Mỹ-Sơn



Đi trước các thắng cảnh ở trong nước về phong trào quảng bá du lịch địa phương ra thế giới bên ngoài, phố cổ lụp xụp Hội-An tuy địa hình nhỏ hẹp nhưng lại có yếu tố chiều dài về hoàn cảnh xã hội, lịch sử tiếp cận giao thương hàng hải với thuyền tàu quốc tế qua lại trên đường biển. Do vậy, ngày nay cho dù có cách nhau về hoàn cảnh không gian, khác nhau về thành phần thế hệ nhưng sở dĩ họ (du khách quốc tế) đã trở lại đến với Hội-An, là không phải vì họ muốn được tìm hiểu nhìn thấy thành phố nầy đã đổi thịt thay da, văn minh phát triển đến như thế nào! Ngược lại, sự cảm khái của họ chính là muốn còn có dịp đến đây để sống lại trong một thành phố cổ xưa từng có tiếng lưu truyền mang nhiều nét đẹp truyền cảm của đất và người. Đó chính là một sự thành tâm hảo ý của du khách, mà phần còn lại, là tùy vào sự bén nhạy thân tình biết nắm bắt cơ hội lâu bền của người dân ở phố cổ Hội-An.

Và những phương cách để cầm chân họ, cũng sẽ không phải là các hình thức vui chơi giải trí hiện đại mà họ đã quen thuộc từng thấy như ở bất cứ nơi nào cũng có. Ngược lại, chính những thú vui giản dị, thân tình như mời họ cùng tát nước, trồng rau, thưởng thức món bánh đập dân dã đơn sơ. Hay ăn món cao lầu, món mì Quảng, bánh hoa hồng trắng, bành xèo chiên dòn v.v. Và đặc biệt, là hãy mời họ cùng du ngoạn trên những chiếc xe trâu thì chắc chắn đó là một kỷ niệm rất khó phai mờ.

UserPostedImage

Hình thức du ngoạn bằng xe trâu ở Hội-An



Còn nữa, không khí sinh hoạt về đêm trên phố cổ Hội-An cũng không kém phần ngoạn mục với khung cảnh của những chiếc lồng đèn đỏ thắp sáng được nhìn thấy treo lủng lẳng ở khắp nơi nơi nhà nhà, đường phố là một hình ảnh đặc biệt đối với hầu hết mọi thành phần du khách. Đáng chú ý hơn nữa, là có những chiếc đền lồng cổ sản xuất ra tại Hội-An có tuổi tính bằng hàng thế kỷ đã được các thế hệ con cháu giữ gìn cẩn thận coi như là vật gia bảo, và chỉ đem thắp sáng duy nhất trong đêm lồng đèn ở Hội-An. Đặc biệt, hơn thế nữa là đúng vào những đêm rằm hằng tháng, thì phố cổ Hội-An hoàn toàn rất yên lặng vì mọi sự hạn chế sử dụng nhiên liệu xăng dầu, điện năng. Và khi màn đêm buông xuống, thì phố phường tràn ngập ánh lồng đèn soi bóng sáng lung linh huyền ảo. Bầu không gian như miền cổ tích gây nhiều thú vị nầy, trong phút chốc, nó có thể sẽ làm cho du khách có cảm tưởng rằng họ đang bị sa vào một cõi hoa đăng lạc cảnh lâng lâng đầy cảm khái tâm hồn!

UserPostedImage

Thành phố lồng đèn

 

UserPostedImage

Đêm lồng đèn nơi phố Hội



Và chính do nhờ ưu thế đó mà người ta tin rằng, với một môi trường cảnh quan thích nghi hữu tình như vậy thì chắc chắn sẽ làm cho họ không phải bị thất vọng, khi quyết định lựa chọn cho mình một cuộc du hành lý thú ở tại thành phố cổ bé tí tẹo nầy. Rồi họ sẽ còn có thêm được dịp mỉm miệng cười, vỗ tay tán thưởng khi đứng cạnh sân khấu lộ thiên Bài Chòi để nhìn xem nghệ sĩ địa phương trình diễn văn nghệ đặc trưng, mà họ (du khách nước ngoài) chỉ có nghe chứ chẳng hiểu gì cả!

UserPostedImage

Sinh hoạt văn nghệ về đêm trên sân khấu Bài Chòi cạnh sông Hoài



Tuy nhiên, giây phút qua mau và cuộc vui nào cũng phải tàn. Chiếc đèn lồng cuối cùng dưới mái nhà rêu phong đã tắt, trả lại màn đêm lặng lẽ về khuya cho phố cổ soi mình mờ ảo bên cạnh dòng nước sông Hoài. Tiếng mưa rơi nhẹ nhàng như rớt xuống từng giọt lên trên những con đường vắng,có những mái hiên nhà nhô ra uốn lượn quanh co theo góc chợ, ngôi chùa thể hiện ra phong cách của một không gian trầm mặc. Sau giấc ngủ yên lành, thì Hội-An thức giấc lại cũng bằng với những màu sắc hình ảnh sinh hoạt thông thường không có vẻ gì rộn ràng, hối hả. Và cảm nhận chung của mọi người không phân biệt chủ khách thì trong hiện tại, lợi thế của môi trường giao lưu xã hội nơi đây rất là lý tưởng, thích hợp cho những con người muốn tìm về cuộc sống trong một thành phố bình dị, êm ả, trong lành. Hơn thế nữa, theo sự khảo sát sau cùng về các địa điểm thành phố du lịch được yêu thích nhất tại châu Á của tạp chí công nghiệp du lịch toàn cầu "Condé Nast Traveller" đã được công bố kết quả tại New-York trong năm 2013, thì thắng cảnh Hội-An đã được bình chọn xếp hạng thứ nhì sau Kyoto của Nhật-Bản do nhờ có nét thanh tao chinh phục được lòng du khách. Và cũng trong cuối năm 2013, Tổ-Chức Định-Cư Con Người Liên-Hiệp-Quốc (UN Habitat) tại châu Á đã có quyết định bình chọn Hội-An cùng Đà-Nẳng là "Thành phố cảnh quan 2013", do nhờ đạt được tiêu chí môi trường sinh thái, hài hòa sự phát triển đô thị, kết hợp tính nhân văn, duy trì lịch sử văn hóa v.v.

Vinh dự nầy nói riêng của Hội-An, sở dĩ có được là do nhờ vào yếu tố trình độ ý thức cao của người dân tại đây biết linh động, uyển chuyển. Cộng thêm, cùng với các di tích vật thể giá trị tạo thành ra nét đẹp có phần hồn hài hòa dưới bầu không gian sâu lắng, thanh bình ở tại địa phương.

Là một tỉnh duy nhất của Việt-Nam đã có tới hai di sản văn hóa thế giới, và di tích phố cổ Hội-An cùng với thắng cảnh Mỹ-Sơn,giờ đây, đã được người ta ví như là hai hòn ngọc song sinh được tìm thấy trên địa bàn của tỉnh Quảng-Nam ở miền Trung trong thời kỳ bùng nổ về ngành du lịch. Điều nầy, làm cho người dân địa phương bây giờ hết sức lấy làm tự hào, và hãnh diện về lịch sử nước non đặc biệt của quê làng. Chính vì lẽ đó mà từ lâu, họ đã ra sức tìm bằng mọi cách để bảo vệ và quảng bá phát triển thế mạnh về nguồn tài nguyên vô giá ở trên địa bàn sở tại.

Và với quyết tâm làm tốt về hình ảnh địa phương, người dân Hội-An rất có ý thức trong vấn đề giao tiếp, ứng xử với mọi thành phần du khách, và họ luôn luôn tạo cơ hội thân thiện cùng du khách trong tình bè bạn từ lúc sơ giao, bằng sự thành thật của con người nơi phố cổ có nét văn hóa thể hiện ra trong ánh mắt, nụ cười. Chính vì thế, mà phần đông du khách đến thăm Hội-An họ thường mua một vài món quà kỷ niệm, tuy biết rằng những kỷ vật đó đôi khi không phải là sản phẩm xuất xứ ở từ nơi phố cổ. Họ mua vì họ mến đất, mến người Hội-An có một cái gì đó toát ra đã chinh phục được cảm tình của họ, và dĩ nhiên, phút chia tay ấn tượng nào mà không thể không có mang theo về một kỷ niệm lưu luyến từ ở phương xa.

Do vậy, ngày nay người ta có thể nói rằng nếu các chứng tích văn minh đền tháp ở thánh địa Mỹ-Sơn là cục đất từng đã được dát vàng, thì hình ảnh di sản văn hóa phố cổ Hội-An bây giờ cũng phải được coi như là một kho tàng ngọc báu đang nằm ở trong lòng đất ở địa phương khai thác không bao giờ cạn.

Và địa danh hấp dẫn du lịch quốc tế mang tính biểu tượng cho nét đẹp về hình ảnh xứ Quảng-Nam nầy, trong tương lai, phố cổ Hội-An sẽ còn có thêm biết bao nhiêu là dịp, để cho đồng bào trong nước cũng như du khách thế giới bên ngoài tiếp tục thay nhau tìm đến tham quan, khám phá.

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG

Post ngày: 10/19/17 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17