Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

Con Tinh Trên Cây Đa

Minh Hương

Thuở nhỏ, chúng tôi đứa nào cũng ít nhiều sợ ma. Nhưng lại thích nghe kể chuyện ma. Ma phá phách người sống, quỷ bắt người và tinh hiện ra giữa ban ngày để chọc ghẹo người đi đường. Lần đầu lớn khôn, lên học các lớp trên, tâm lý sợ ma cũng bớt đi. Những chuyện ma, chuyện quỷ quái đản đã bớt tác động đến tinh thần của bọn trẻ chúng tôi.
Nếu kể về thành tích nghịch ngợm, trêu ghẹo người khác, (nhưng tuyệt đối không hỗn láo, mất dạy), thì có lẽ bọn chúng tôi thực sự là những con quỷ sống, bằng da, bằng thịt. Những con yêu tinh biết ăn cơm, uống nước và biết bầy mưu lập kế, trêu chọc thiên hạ.
Chúng tôi có quen anh trùm Dậu. Anh lớn hơn chúng tôi đến bốn, năm tuổi. Học chữ Nho mất mấy năm rồi mới học chữ quốc ngữ và chữ Tây. Anh học kém lắm, năm nào cũng phải ở lại lớp. Khi mới vào trường, người anh đã lêu nghêu, cao hơn chúng tôi. Đến lớp nhì nhứt niên, ngồi lại lớp thêm một năm, nhưng không lên được lớp trên, anh buộc phải ở nhà, lấy vợ. Vợ anh bán hàng ngoài chợ. Nhờ sẵn ít vốn liếng chữ thánh hiền và cũng lanh lẹ, anh lãnh chức trùm trong làng.
Mỗi lần chung tiền mua được một ít đậu phụng rang hay kẹo đậu phụng hay bánh tráng nướng giòn ăn với cùi dừa rám và đường bát, thế nào cũng phải mời cho được anh Dậu tham gia, thường tụ tập tại nhà thằng bạn, gần đình Tiền Hiền (nơi thờ Thành Hoàng và hội họp của các chức sắc trong làng).
Trời mưa lâm râm mà nghe anh kể chuyện ma thì thiệt là thú vị. Anh học có tiếng là không sáng dạ, nhưng kể chuyện ma rất có duyên. Kể chuyện ma có dây, có nhợ, lớp lang chặt chẽ, có địa danh rõ ràng. Có chứng cớ ông hương ni thấy, ông phán tê đã chứng giám. Anh còn mạnh bạo viện dẫn ra tên những thầy pháp, những cô đồng, bà cốt để chứng minh. Nhưng anh cũng không quên ngừng lại ở những hồi gay cấn, bốc vài hột đậu phụng rang hoặc cắn một miếng dừa rám, bẻ một miếng bánh tráng, thêm một.. xí đường, bỏ vào miệng nhai rồi thong thả, tự nhiên rót nước chè tươi uống. Mặc kệ chúng tôi nôn nóng, chờ đợi. Mặc kệ chúng tôi lo lắng vì thức ăn đã gần hết mà câu chuyện lý thú chưa được kết thúc. Anh còn kể lại rất tỉ mỉ và đầy kịch tính những chuyện ma, mà theo anh nói, anh đã từng trông thấy tận mắt. Chúng tôi dư biết anh dựng lên toàn là chuyện hư cấu, nhưng anh có tài "tân trang" lại truyền thuyết nên chúng tôi vẫn lắng nghe một cách thích thú. Thỉnh thoảng có hỏi vặn lại, anh đều đối đáp thông suốt. Anh kể nào là ma le cái lưỡi dài thòng, gần một thước tây, nào ma dấu người trong các bụi rậm, nhét cát, cỏ, lá cây vào miệng nạn nhơn. Anh kể cả con quỷ một giò ở xóm Cây Quăn, ngoài Đà Nẵng, ma cụt đầu ở Cây Trâm trong Tam Kỳ. Những con ma Tây lênh khênh, đói rách vất vưỡng, lang thang suốt đêm ở xóm mả Tây, cũng ở ngoài Đà Nẵng. Anh giải thích rằng, bọn Tây có biết cúng kiếng chi mô mà người chết của chúng không thành ma đói? Những con ma "da" ở dưới Phố, chỉ chờ có người tới số lội xuống, là kéo ghì cho hụt chưn, chết chìm...
Thước ta ngắn hơn thước tây nhiều. Anh đã kể chuyện "ma le" nhiều lần với nhiều nhóm khác nhau. Đầu tiên lưỡi con ma le chỉ dài có một thước ta, lần lần anh ta thêm một tấc ta, nên đến khi tụi này thì cái lưỡi dễ sợ dài đến một thước tây.
Có một lần, anh dám đề cập đến con quỷ dữ (cấp bực cao hơn ma nhiều!) đã phá phách suốt thời gian dài nhà ông phó H. gần chợ. Theo anh trùm Dậu, gia đình ông phó H. phải vô tận Bình Thuận, Phan Thiết mời mấy ông thầy pháp nổi danh ra cúng và ếm mới triệt được con quỷ thiên biến vạn hóa nớ. Anh lý giải:
-"Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận"! Nơi nào mà ma quỷ nổi lên nhiều thì tự nhiên có nhiều thầy pháp cao tay ấn. Mấy thầy pháp ở Quảng yếu tay quyết, nên mới bị con quỷ nớ đánh văng ra hết, phải chạy có cờ.
Nói đến đây, chắc anh quên rằng anh có một người chú ruột là một thầy pháp. Anh cũng đã từng khoe chú anh có truyền nghề cho anh, nhưng anh chỉ dùng pháp thuật để tự vệ mà không hành sự, vì sợ tổn thọ. Chúng tôi làm bộ sợ hãi, hỏi:
-Nè, anh Dậu, anh đã thấy tận mắt "ông quỷ" đó đánh đuổi thầy pháp tỉnh Quảng mình chưa?
-Có một lần, đi theo mấy ông thầy pháp non tay ấn của tỉnh mình đến nhà ông phó H. ngủ một đêm. Đến khuya, giữa nhà bày binh, bố trận, đèn đuốc sáng choang, khói hương, khói trầm nghi ngút. Bùa ếm, thần phù dán khắp nơi. Các thầy pháp chia nhau trấn giữ các cõi: đông, tây, nam, bắc, đọc thần chú, tay bắt quyết, mời các vị thần linh tổ sư về hỗ trợ và triệu âm binh đông nghẹt về vây chặt như thiên la, địa võng. Các thầy kiên quyết bắt cho được hồn quỷ dữ, sẽ nhót vào tĩn nước mắm, đậy nắp lại, dán bìa lên trên, ném xuống biển Đông cho trôi đi xứ khác. Bổn mạng hắn cũng lớn lắm, không triệt được đâu, mà chỉ đày đi phương xa thôi... Thế mà... vẫn không ăn thua gì!.. và hắn vẫn xuất hiện như thường.
-Ghê hỉ? Xuất hiện như răng?
Cắn xong một miếng lớn kẹo đậu phụng, nhai rôm rốp, uống gần nửa bát chè tươi đậm, anh nói tiếp:
-Ban đầu, từ trên nóc nhà rớt xuống một cái cẳng. Rồi đến cái giò thứ nhì. Chúng tôi đều le lưỡi ra làm bộ kinh hãi để cổ võ tinh thần người kể chuyện. Anh thản nhiên kể tiếp một cách tự tin:
-Sau đó, trời ơi! Một cái mình không đầu với hai tay lòng thòng từ trên cao hạ lần lần xuống trên hai cái cẳng. Mấy thầy pháp mặt mày xanh lét. Có thầy, tay chưn run rẩy bẩy, lưỡi líu lại, đọc thần chú không ra tiếng. Một thân mình cao lớn đứng sừng sửng như trời trồng. Trông đã khiếp vía!
-Có phải ông cụt không?
-Đâu phải! Ông cụt là mấy ông bị chém đầu.
Rồi anh kể tiếp:
-Một cái đầu rớt xuống sau chót, rất đúng vào thân mình, thành một người đầy đủ chưn tay.
Người có óc tưởng tượng phong phú ngừng kể. Thấy mấy miếng đậu phụng đã hết nhẵn mà mình thì cũng đã ăn nhiều hơn ai hết cả, anh Dậu đành bóp bụng uống thêm vài hớp nước chè tươi đặc. Rồi anh đằng hắng để lấy giọng chuẩn bị để kể tiếp. Thấy có điểm thiếu "văn hóa", chúng tôi bèn hỏi:
-Ổng ăn mặc đàng hoàng không?
-Đàng hoàng! Đàng hoàng chứ! Như thần thông biến hóa, áo quần hiện ra ngay tức khắc. Quỷ cũng phải biết mắc tịt (mắc cỡ, xấu hổ). Ai lại ở truồng nhồng nhỗng như nhộng trước mặt mọi người. Giáp trụ rực rỡ như tướng hát bội.
Có đứa tinh nghịch:
-Hồi hai chưn rớt xuống có mang hia không?
Anh vẫn điềm tĩnh trả lời:
-Có. Rồi con quỷ há miệng, lòi bốn cái nanh nhọn hoắt ra và cười ha hả. Miệng rộng đến mang tai. Mắt lồi như ốc bươu. Tóc trên đầu dựng đứng lên. Sau đó biến mất liền. Ghê quá! Bây giờ nhớ lại, qua còn nổi da gà.
Tôi vội vàng sờ nhẹ vào tay anh, thấy da anh vẫn trơn tru. Thiệt ra, chuyện con quỷ này, chúng tôi cũng đã nghe các cụ kể lại đã lâu lắm. Các cụ nói lúc nhỏ các cụ cũng đã nghe ông bà kể lại rồi. Nói về thời điểm, thì tính ra chuyện quái đản này đã lưu truyền trong dân gian lúc cha mẹ của anh Dậu chưa ra đời. Làm sao, cha mẹ anh Dậu gặp nhau được. Lẽ dĩ nhiên anh cũng chưa chào đời để góp lời ăn tiếng nói cho đời bớt đi những nét đơn điệu, nhàm chán! Hơn nữa, xưa nay, chưa có ai dám cả quyết rằng mình có diễm phúc như anh đã thấy tận mắt dung nhan của một vật kỳ dị ghê gớm đến như rứa!
Có đứa lái qua chuyện khác:
-À, còn cô tinh trên cây da gần Lò Heo, trên đường đi xuống biển?
-Úi, mụ tinh cái đó chỉ hiện ra trên cây da lúc đứng bóng và ban đêm, khi trời mưa râm râm. Mặc đồ trắng xóa. Tóc xõa dài xuống vai. Ngồi vắt vẻo trên cành cây rậm, hai tay ẵm con, miệng hát ru. Đi ngang qua nghe tiếng ru con, hễ ngước mắt ngó lên, lén nhìn là về nhà bị "nhập" liền. Sẽ đau nằm liệt giường, liệt chiếu, "thập tử nhứt sinh". Phải mời thầy cúng kiếng, van xin mới khỏi được.
-Anh có gặp được lần mô chưa? Sợ hỉ?
-Có một lần. Hơi ngán! Trông như con gái nhà giàu, người mảnh mai. Nước da trắng bệch, xanh như tàu lá. Qua có bùa đeo ở cổ, nên hắn không "hớp hồn" được.
Anh kéo lá bùa ở cổ ra cho bọn ni coi. Lá bùa như cái gối nhỏ xíu, bọc vải vàng, ngoài mặt vẽ lăng quăng những chữ đen, đỏ. Có kết khuy để luồn dây đeo cổ. Anh kể tiếp:
-Có lần đi ngang qua chỗ nớ, qua đằng hắng. Hắn vừa ru con, vừa hát, giọng trong như tiếng chuông:
Con ơi, con ngủ đi con! Để mẹ coi thử ai dòm lên cây?.. Lá bùa này quý lắm! Ma quỷ loại tầm thường không làm gì nổi. Còn thủ thêm cây roi dâu. Trước là đi mô về khuya để đánh chó. Sau là thấy cái chi lạ hiện ra là phải tỉnh táo coi người thiệt hay người giả. Các ổng, các bả, khi đi, chưn không chấm đất, chỉ lướt nhẹ cách mặt đất một vài tấc. cái bổn mạng của qua đây cũng lớn lắm!
Sự thiệt, theo mấy người lớn tuổi nói lại, mẹ anh sanh đẻ nhiều nhưng hữu sanh vô dưỡng, chết yểu cả. Đến khi anh ra đời, sợ rằng người khuất mặt bắt đi nữa, nên phải xin chú anh lá bùa hộ mạng để đeo. Thấy anh đi quá xa, tôi hỏi tới:
-Cô tinh ở trên cây da Lò Heo còn không?
-Hắn không còn ở trên đó nữa, vì đội kèn đồng ở đồn Tây chiều nào cũng ra chỗ nớ thổi um sùm. Ma quỷ sợ kèn Tây lắm! Hắn đã dời nhà đi và ngự ở chỗ khác rồi!
-Anh trùm nè! Tụi tui thì hay đi chơi đêm. Anh làm ơn chỉ rõ cô tinh giờ ngự ở đâu để biết đường mà.. tránh né.
Có thể anh biết bọn này ban đêm thỉnh thoảng đi ngang qua trước cổng Tòa Sứ, nên mỉm cười nói:
-Ngự trên cây da trước cổng Tòa Sứ chứ ở mô chừ? Mấy vị đó thường chọn cây cao, bóng mát, cây da, cây si, cây thị, cây dương lâu năm. Qua cũng đã "xoan" (gặp phải, đối đầu) hắn một lần ở cây da Tòa Sứ, vào lúc trưa đứng bóng.
Bọn trẻ chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Có lẽ phần lớn đều nhận thấy rằng tài nói láo của anh vượt quá giới hạn cho phép. Không những anh muốn triệt trước đường bọn này ban đêm ra xóm Trường Lệ, bắt buộc phải qua cổng Tòa Sứ mà còn muốn ngăn cản bọn ni trưa nắng vào trong khuôn viên Tòa sứ hái trộm me dốt ăn. Có đứa đề nghị:
-Bữa mô anh có đi qua, dẫn một trự tụi tui đi theo để coi mặt mũi cô tinh cái.
-Không được mô! Có mặt qua thì con tinh ít xuất hiện. Mạng qua lớn lắm và thêm lá bùa hộ thân. Hắn chỉ nhác mấy người yếu bóng vía hoặc dọa mấy thằng nghịch ngợm.
-Như tụi ni, phải không?
-Hừm!
Tiếng "hừm" của anh nghe yếu xịu!
Mấy ngày sau, chúng tôi bàn kỹ kế hoạch để thử thách lòng dũng cảm của anh trùm và cũng để biết lá bùa hộ mạng của anh hiệu nghiệm mức nào.
Cây da trồng gần cổng, phía ngoài khuôn viên Tòa Sứ khá um tùm, nằm bên cạnh trái con đường trỗ ra xóm Trường Lệ, nơi có nhà anh trùm Dậu. Cũng là đường chúng tôi thường đi qua để ra nhà anh Đăng, gần sân banh nơi chúng tôi thường tụ họp lại để hỏi bài vở với nhau hay để vui chơi. Chúng tôi biết, sau khi làm xong việc làng, việc lân (thôn, ấp), chiều nào anh cũng phải ra chợ, coi hàng cho vợ về trước lo cơm nước. Còn anh ở lại dọn hàng, mãi đến bảy, tám giờ mới về nhà. Thế nào cũng phải đi ngang qua cây da.
Một đêm không trăng, trời mưa râm râm. Ngọn đèn đường vàng vọt yếu ớt. Mới bảy giờ rưỡi tối mà ngoài đường đã thưa người qua lại. Chúng tôi từ nhà anh Đăng tỏa ra về phía cổng Tòa Sứ. Ca, người mảnh mai, dong dỏng cao, lại tiếng nói eo éo như con gái, đội nón lá, mặc áo dài trắng, trèo lên ngồi vắt vẻo trên cây da. Hai tay ôm một khúc gỗ, có bọc vải trắng ra ngoài. Còn lại ba đứa, chúng tôi chia nhau núp sau mấy cây phượng vĩ, mấy cây me tây trồng gần đó. Khu vực này hơi tối vì xa đèn đường. Thằng Sơn, mau miệng lẹ chưn thì đã được chia cho phần việc ra chờ từ xế chiều, tìm gặp anh trùm năn nỉ xin đi theo anh che chở để ra khỏi xóm Trường Lệ, đến nhà người chú có xí việc..
Khi đã thấy bóng hai người lù đù đi lại phía cây da, chúng tôi lên tiếng báo hiệu. Ca sửa lại tư thế cho giống người đàn bà ẵm con. Càng gần tới cổng Tòa Sứ thì thằng Sơn cứ ép anh trùm đi sát bên lề trái, bước gần cây da hơn. Gần tới, Sơn một tay vỗ nhẹ vào cánh tay anh, tay kia chỉ lên cành cây lờ mờ có bóng dáng một người mặc đồ trắng ngồi ở chạng ba, thòng hai chưn xuống đù đưa. Sơn níu anh trùm lại và la lớn:
-Anh trùm, coi trên tê có cái bóng trắng.
Bỗng có tiếng ru con ngân nga, tiếng đực, tiếng cái.
Con ơi, con ngủ đi con! Để mẹ coi thử thằng trùm to gan... Sơn làm bộ sợ hãi:
-Niệm thần chú đi anh. Trời ơi! Sợ quá! Đúng rồi, có bồng con nữa. Cây roi dâu anh mô rồi?
Trùm Dậu ta chỉ biết cắm đầu mà chạy, vắt giò lên cổ mà chạy, không dám quay đầu lại. Thằng Sơn chạy theo, nắm chặt lấy tay anh và la lên:
-Anh trùm, anh trùm, đợi tui bí (với), đợi tui bí (với)!
Sau đó, nó buông anh ra, chạy ngã khác, rồi quay trở lại phía chúng tôi. Chúng tôi thấy anh chạy bán sống bán chết, nhưng có thể anh cũng nghe loáng thoáng được tiếng cười khúc khích nho nhỏ ở phía sau mấy gốc cây vẳng ra...
Từ đấy, anh ít đi lại với chúng tôi. Anh còn bận rộn nhiều việc của làng, của lân, của đình, của miễu. Hội An cũng bớt đi một người nói chuyện rất có duyên, chuyên kể chuyện ma, chuyện quỷ hấp dẫn. Chúng tôi chỉ tiếc là chưa được nghe anh kể về mấy con ma Hời (ma Chàm, Chiêm Thành) ghê gớm ở Trà Nhiêu...

(Trích HỘI AN - QUÊ TÔI)

 

Nguồn: SaigontimesUSA

Post ngày: 10/19/17 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17