Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

Theo dấu Sơn Nam: Đi tìm “Con trích ré”

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam luôn được nhiều người thắc mắc những chuyện ông viết có thiệt hay hư cấu. Ông chỉ cười, nụ cười hàm chứa nhiều ẩn ý. Lần theo vết chân của ông, chúng tôi tìm thấy biết bao điều thú vị... 

Từ câu chuyện trong sách…

Con trích ré là truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau, nhân vật bé Kiều mê con trích ré là loài chim đẹp nhứt rừng xanh nên ba em là cai tổng Báu bảo các tá điền cho Kiều con trích ré nuôi. Sơn Nam tả trích ré rất khôn nên chủ cưng nuôi thả trong nhà như chó, trích múa đẹp và đá hay như gà. Rồi ngày nọ cai tổng Báu khao tiệc rình rang đón tiếp quan phó tham biện là người Lang Sa (Pháp). Con trích thấy quan phó biện cứ kêu ré chói tai, nhào tới đá mổ làm quan thầy trầy trụa, chảy máu. Cai tổng Báu sợ nên bắt chim trích cho quan tham biện bẻ gãy cổ làm rô ti ăn hả giận, bất chấp lời nài nỉ của con. Chuyện kết thúc đắng ngắt, bé Kiều hận cha giết con trích nên chui vào ao nước trong góc nhà trốn và em chết ngạt...

 

Theo dấu Sơn Nam: Đi tìm
Trích thả lang thang như gà

 Theo dấu Sơn Nam: Đi tìm
Trích non được dưỡng từ nhỏ để thuần dưỡng - Ảnh: Thanh Dũng

Con trích ré là chuyện thâm thúy vì loài chim cũng biết yêu ghét, phân biệt xua đuổi kẻ thù. Nhưng lắng đọng sự băn khoăn có nói quá không bởi nơi nào nuôi chim trích thả rông như chó mèo, chim là chim sao biết giữ nhà! Câu chuyện không đề cập đến địa danh, xóm làng, con người cụ thể, ấy vậy nhưng ông Nguyễn Nhứt Thống, Trưởng ban Tuyên giáo TX.Sa Đéc (Đồng Tháp), xác nhận ngày xưa các miệt vườn người ta nuôi chim trích giữ nhà bởi chúng rất khôn và ông cũng từng nuôi nhiều con.

 

 

Nhà văn Sơn Nam để lại cho đời những tác phẩm có giá trị lịch sử văn hóa về vùng Nam bộ xưa như: Hương rừng Cà Mau, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn, ĐBSCL nét sinh hoạt xưa...

Tập truyện Hương rừng Cà Mau được ấn bản từ năm 1962, tới nay qua nhiều lần tái bản vẫn luôn bán chạy. Tập sách này được NXB Trẻ xem là “trấn sơn chi bảo” trong các đầu sách hay đã tái, xuất bản.

 

 

Về Miệt Thứ (Kiên Giang) qua các huyện An Minh, An Biên quê hương của Sơn Nam mới rõ trong miệt này có nhiều nhà nuôi trích cồ, trích ré. Quả là loài chim dữ, thấy người lạ bước vào nhà nó kêu điếc tai, chạy xáng tới xù lông há mỏ mổ... Nhưng nuôi trích nhiều thì chỉ có một nơi. 

...đến xóm trích

Anh Huỳnh Văn Sơn, ngụ H.Tịnh Biên (An Giang), là dân thương hồ kể hồi đó anh thích đọc sách Sơn Nam và tưởng chuyện cây huê xà, con trích ré, bắt sấu rừng U Minh... là chuyện phịa đọc chơi. Nhưng rồi chạy ghe theo kinh T4, qua ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình (H.Kiên Lương, Kiên Giang), Sơn ngạc nhiên thấy trên bờ kinh bóng trích lố nhố đi cùng gà vịt, chó mèo. Sơn nói: “Hiếu kỳ tôi tấp ghe vào nhưng bị bầy trích xù lông đe dọa, chủ la chúng mới bỏ đi. Tôi nể ông Sơn Nam quá, chuyện ở xứ khỉ ho cò gáy mà ổng viết rành rẽ như lòng bàn tay”.

Tới ấp Lung Lớn hỏi xóm trích, người địa phương ai cũng biết. Muốn vào xóm trích phải thuê đò chạy vào vì chưa có đường xe. Đó là một xóm nhỏ nằm chơ vơ dưới cái nắng hầm hập. Gương mặt đen bẻm, ông Cao Văn Lợi, một người nuôi trích cho biết xóm này nuôi trích đã mấy chục năm nay. Ông Lợi khoe: “Ngẫm lại trích khôn hơn chó, phải chính tay chủ bắt chúng mới được, còn kẻ khác dù lạ hay quen thò tay bắt là chúng đá, mổ lại. Trích lì lợm lắm, nó đã rượt mổ thì hù dọa, xua đuổi nó vẫn sấn vào, khi chủ la nó mới thôi, bị trích mổ trúng đau thấu trời”. Theo ông Lợi, lúc trích ấp trứng, giữ con còn dữ hơn chó đẻ, gặp người lạ hay loài thú, gia cầm nào tới gần ổ là chim mẹ, chim bố nhảy tới đá tới tấp cho tới khi kẻ thù bỏ chạy.

Ông Lợi cho biết để nuôi trích giữ nhà phải nuôi từ lúc trích mới nở, chăm sóc đã quen hơi chúng mới quyến luyến chủ không bỏ đi. Có hai loại trích là trích ré và trích cồ, người nuôi thích trích cồ hơn vì lông chúng sặc sỡ, khôn và to con hơn trích ré. Ông Lợi nói: “Trích múa đẹp lắm, chủ túc tay ra hiệu là chúng múa theo”. Theo ông Lợi, trích cồ là loài chim đẹp nhứt rừng xanh, lại biết múa, biết đá như gà nên hiện nay rất nhiều người ở trong và ngoài tỉnh lần tới đây mua trích nuôi như chim kiểng làm thú vui mới. Ông Lợi nói: “Xóm heo hút nhưng sống được là nhờ nuôi trích, nuôi cuốc bán cho người chơi chim. Khi bán trích, tụi tôi cũng dặn trước chúng dữ lắm nên thuần dưỡng từ từ, những ngày đầu hạn chế cho con nít tới gần không chúng mổ là nguy. Trích làm quen chủ mới cũng nhanh, nuôi chừng vài hôm chủ mới kêu gì chúng cũng nghe”. Rồi ông bông đùa, dân xóm trích nghèo nuôi trích là để dành giữ nhà cho người khác.

Xóm trích đồng không mông quạnh nên ban trưa tiếng trích kêu nghe nẫu ruột. Những căn nhà lá thấp ngày ngột ngạt nóng rát da, đêm leo lét đèn dầu, đèn bình tối mò... Ông Lợi nói xóm này nhiều người nuôi trích nhưng nay họ lội rừng săn trích rừng, trích bổi bởi đã vào mùa săn chim. Một con trích rừng bán thịt vài chục đến vài trăm ngàn đồng, chim nhỏ nuôi dưỡng làm chim mồi, bán lại người chơi chim kiểng. Ông Lợi than giờ trích rừng ít dần, phải đi xa đặt bẫy mới có miếng ăn, âu cũng là nghiệp báo của nghề sát sinh muông thú.

Trích là loài chim đẹp nhứt rừng xanh nhưng chủ nó bao đời vẫn đen đúa, nhà cửa trống trước hụt sau. Trích có cánh nhưng không biết bay, chỉ chạy lủi trốn trong bụi cây. Nó như thân phận người săn chim luôn thập thò, thậm thụt đi săn trộm với cái vòng lởn vởn đói nghèo... (Còn tiếp)

 

Ðêm ấy, ngôi nhà lầu của cai tổng Báu rộn rịp khác thường. Hàng chục cây đèn măng xông cháy sáng rực ở ngoài sân và trong phòng khách. Từ bốn hôm trước, bọn gia nhân phải thức khuya dậy sớm để treo bông kết tuột, chuẩn bị ngày gắn huy chương Nông Nghiệp (Mérite agricole) do quan phó tham biện cử hành. 
    Các thân hào, hương chức hội tề đã tề tựu từ hồi bốn giờ chiều. 
    Ông tổng Báu mặc áo dài khăn đóng đứng ngoài cửa bắt tay từng người. Mặt trời xuống dần, cảnh vật trở nên âm u. Ông tổng chạy tới lui, quát tháo từng chập: 
    - Xong chưa! Nhớ un muỗi bốn phía sân. Quan phó tham biện là người Lang Sa. Ổng sợ muỗi lắm. Muỗi cắn... tức là chích nọc vi trùng sốt rét. Hôm trước, ông căn dặn làm thế nào đừng cho muỗi cắn ổng! 
    Rồi ông tổng nói với tên tổng khậu (đầu bếp): 
    - Sửa soạn cho xong đi! Chừng một giờ nữa... 
    Tên tổng khậu đáp: 
    - Dạ, đâu đó xong xuôi rồi. Bữa này, nhứt định quan phó tham biện hài lòng. Món này đặc biệt... ngon hơn đồ Tây. 
    Rồi anh tổng khậu chạy vào phòng khách. Anh ta trở ra, mặt mày hơ hãi: 
    - Chết cha! Ông cho phép tôi sửa soạn ngay giữa sân này... Phải đốt lửa trước để có than... 
    Ông tổng Báu gật đầu: 
    - Cứ dọn ngay giữa sân. Nãy giờ, tao nói trừ hao... Còn sớm mà. 
    Dưới ánh đèn măng xông sáng trưng còn hơn ban ngày, bọn gia nhân hì hục làm việc dưới sự điều khiển của anh tổng khậu. Họ chất hàng bảy tám chục khúc củi, đốt cháy rực trời, theo kiểu... hướng đạo đốt lửa trại, có điều khác là đống lửa ấy dài như hình chữ nhựt. Hồi lâu lửa ngọn hạ xuống, họ đem tới năm ba cần xé đựng đầy vỏ dừa, lolại vỏ dừa tươi, phơi khô. 
    Mấy ông hương chức hội tề khen nức nở: 
    - Than vỏ dừa đượm lắm. 
    Mớ vỏ dừa được tung vào đống lửa. Một mùi thơm thơm bay ra... Trong khi ấy anh tổng khậu đến phía sau nhà, truyền lịnh: 
    - Ðập đầu con bò con cho mau. rồi cạo lông sơ sơ. Nhớ mổ bụng, đem bộ đồ lòng ra cho sạch. Phải giữ nguyên hình dạng con bò: đuôi, móng, lưỡi, lỗ tai... Mất một món là bọn mình... mất danh dự. 
    Bọn gia nhân đốt đuốc, đập đầu con bò con. Anh tổng khậu vào nhà bếp thúc hối: 
    - Nhớ chưa! Bàn thứ nhứt đầy chuối chát; bàn thứ nhì, khế chua; bàn thứ ba, bánh hỏi; bàn thứ tư, bánh tráng; bàn thứ năm, mắm nêm; bàn thứ sáu, muối tiêu. 
    Mấy chỉ ở nhà bếp cười dòn! 
    - Ðầy đủ hết rồi. Còn bàn thứ bảy? 
    Anh tổng khậu nói: 
    - Bàn thứ bảy thì dành riêng để uống rượu. Cứ khiêng lên sau, khi tôi ra lịnh... 
    Ðống lửa than đã ngún đỏ rực giữa sân. 
    Hai tên gia nhân cắm sẵn bốn cây nọc, mỗi đầu hai cây tréo lại. Ông tổng Báu cười hì hì: 
    - Món này đặc biệt lắm, bò gác tréo! Bên Tây, họ chưa ăn uống sang trọng như ở xứ mình. 
    Một ông hương chức hội tề nói phụ họa: 
    - Hồi nào tới bây giờ, tôi nghe nói thịt bò gác tréo nhưng chưa nếm lần nào. Ðêm nay, dịp may hiếm có... 
    bỗng dưng mọi người đều nhảy nhổm. Từ phòng khách có tiếng con chim gì kêu to: 
    - Ré... ré... ké... ké... 
    Ông tổng Báu đứng dậy, giận xanh mặt: 
    - Bà Hai đâu? Tôi căn dặn mấy bữa rày mà cứ để như vầy. Con trích phá đám. Ðêm nay, coi chừng... 
    Cử toạ cười vang lên. Con trích vừa nhảy vừa bay sập sận ra sân. Nó to bằng con gà tre, lông xanh mướt như lông chim sa sả (chim chả). Cái mồng con trích cứ đưa qua đưa lại, đỏ hói... Ðôi chân đỏ đậm nhảy tới, quơ móng nhọn lễu, bén như dao cạo. Ông Tổng Báu la tiếp: 
    Bà Hai chính là người vú già nuôi bé Kiều, đứa con gái út của ông tổng. Bà cố sức chạy theo... Con trích cứ“ré” lên, bay vòng quanh đống lửa. May quá, bà Hai chận đầu con trích, ôm vào lòng, nói khẽ với ông tổng như để giải thích, xin lỗi: 
    - Dạ, cô bé Kiều mở cửa thình lình. 
    Vừa dứt lời, bé Kiều chạy tới, khóc thút thít: 
    - Ba ơi! Con trích đâu rồi? Ba rầy con hả? 
    Ông tổng báu vuốt tóc con: 
    - Thôi nín đi. Ba rầy bà Hai chớ đâu có rầy con, con lên lầu mà ngủ đi. 
    Bé Kiều nũng nịu: 
    - Con không ngủ đâu. Tại sao ba nhốt con trích trong lồng. Nó kêu hoài, tội nghiệp nó lắm. 
    Từ ngoài sân, đứa gia nhân chạy vào, nói giọng nghiêm trang: 
    - Thưa ông! Ca nô ông phá tham biện tới rồi! 
    Ông tổng Báu giật mình, nói với bà Hai: 
    - Ðược rồí Bà thả con trích ra khỏi lồng. Cho con trích vô ở trong phòng với bé Kiều nghe không? 
    Rồi ông nài nỉ: 
    - Bé Kiều! Ðêm nay, ba mắc công chuyện. Con ở trong phòng mà chơi với con trích. Kẹo bánh thiếu gì ở trong đó. 
    Bà Hai ôm con trích, vào phòng khách rồi lên lầu, bé Kiều chạy theo bà. Nó mừng rỡ, ông tổng không nhốt con trích nữa. Nó tha hồ đùa giỡn, bẻ bách bích qui cho con trích ăn... 
    * 
    * * 
    Con trích, gọi nôm na là“trích ré” thuộc vào loại chim rừng đẹp nhứt. Nói đúng hơn, nó là loại chim sống ở nơi đồng cỏ hoang dại. Trích bay rất thấp, lủi trong cỏ rất khéo một khi lâm nguy, bay không kịp. Thịt trích ăn khá ngon, nào kém thịt gà. 
    Qua lúc sa mưa, nếu lội bộ qua vùng cỏ mênh mông, ta có thể gặp hàng chục ổ trích, trong mỗi ổ có năm sáu trứng. Như người, trích cất cánh bay bổng hoặc chui xuống cỏ, đứng như chết. 
    Trích lại có tài đá lộn như gà. Nhiều người nuôi trích để giữ nhà. Mỗi khi gặp người lạ, trích“ré” lên inh ỏi để báo động, rồi chạy tới, vừa cắn, vừa đá, vừa bay... Bị tấn công thình lình, khách lạ khó bề xoay trở, thường chịu rách quần áo, trầy da hoặc đui mắt. 
    Bé Kiều là con gái út của ông tổng Báu. Ông tổng có đưa con trai lớn, chết vì bịnh ban đen hồi năm ngoái. Bé Kiều là đưá con gái duy nhất còn lại trong gia đình. Mẹ bé Kiều mất khi bé Kiều được đầy tháng. Vì vậy, bé Kiều là hòn ngọc trong gia đình. 
    Một hôm, lúc dạo xóm với ông tổng, bé Kiều gặp con trích nuôi trong nhà người tá điền. Bé Kiều khóc lóc, đòi đem con trích ấy về nhà nuôi cho bằng được. Ông tổng chiều con, sắm chiếc lồng sơn son để nuôi trích. Nhưng bé Kiều giận lẫy, không muốn nhốt con trích vào lồng. 
    Con trích trở thành con búp bê được bé Kiều nân niu... Hễ bé Kiều đi đâu là cont rích chạy theo đó như hình với bóng. 
    Thỉnh thoảng, con trích phóng uế nơi phòng khách. Bà Hai đành phải làm công việc lau chùi... và lau chùi không hở tay nếu con trích ăn uống không tiêu. Những lúc ấy, bé Kiều khóc lóc, đòi kiếm thuốc cho con trích uống... Ông tổng Báu đành xuống nước nài nỉ con, hứa mai hứa mốt. Ban đêm bé Kiều để cont rích ngủ bên giường, sợ kẻ trộm lẻn vào nhà bắt con trích cưng. 
    Ông tổng lắm lúc bực mình và tỏ ra thông cảm với nỗi khổ nhọc của bà Hai: 
    - Bà đừng phiền, bé Kiều thiếu tình thương của mẹ. Nó gắt gỏng khó tánh, tội nghiệp nó. Vái trời cho con trích sống hoài. Rủi con trích chết, chắc nó mang bịnh theo. 
    * 
    * * 
    Buổi gắn huy chương Nông Nghiệp đã cử hành xong. Ông tổng Báu đứng im như một người lính, ưỡn ngực, nín thở. Sau đó, ông xin phép với quan phó tham biện: 
    - Mang huy chương lúc ăn uống là điều thất lễ với... chánh phủ Lang Sa. Tôi muốn đem cái huy chương này cất trong tủ thờ... 
    Quan phó tham biện cười nhếch mép rồi gật đầu, vỗ tay... Tất cả cử toạ đứng dậy, vỗ tay phụ hoạ hồi lâu mới dứt. 
    Cai tổng Báu bước ra sân, nói khẽ với anh tổng khậu: 
    - Ðem món ăn ra giữa sân! 
    Quan phó tham biện hơi ngạc nhiên. Ban nãy ông tổng Báu giới thiệu món ăn duy nhất: thịt bò con. Bây giờ, bốn đứa gia nhân đặt con bò con lên kiệu, khiêng ra sân, gác lên mấy cây tréo, trên đống lửa than đỏ rực. 
    Trông con bò ngỗ nghĩnh, ngây thơ và nên thơ quá! Nhờ tài khéoléo của anh tổng khậu, con bò như sống lại, nhăn răng cười trên đống lửa hồng! Ban nãy, anh ta đã dùng hai khúc cây nhỏ, chỏi mí mắt khiến con bò vẫn thức tỉnh trong cái chết, đôi mắt tròn xoe, trao tráo! 
    Anh tổng khậu khoát tay làm dấu hiệu với mấy người nhà bếp. 
    Họ xúm nhau khiêng bàn, mấy cái bàn riêng biệt đầy chuối chát, khế chua, mắm nêm. Ðâu đó xong xuôi, ông tổng Báu trịnh trọng đứng dậy. 
    - Thưa quan phó chủ tỉnh, thưa quí anh... hương chức hội tề. Hôm nay là ngày vui, chúng tôi xin đãi tiệc mọn. Muốn ăn món thịt bò gác tréo này, xin quý vị chịu phiền dời gót ngọc dạo chung quanh con bò. Lời tục thường nói: Ngồi một chỗ ăn ít, trái lại, nếu vừa đứng vừa ăn thì ta ăn nhiều hơn... 
    Quan phó chủ tỉnh nhờ hiểu chút ít tiếng Việt nên gật đầu, vỗ tay. Chờ khi tràng pháo tay chấm dứt, quan phó chủ tỉnh nói to: 
    - Ông cai tổng là chủ nhà, chủ tiệc. Vậy thì mời ông ăn trước cho mọi người bắt chước theo... 
    Ông tổng Báu cúi đầu: 
    - Cám ơn quan lớn. 
    Quan phó chủ tỉnh rót ly rượu chát để tán thưởng: 
    - Ông cai tổng uống, uống cạn ly... 
    Uống xong ly rượu, ông tổng Báu càng cao hứng, nói thao thao bất tuyệt: 
    - Món ăn này ăn bằng cây dao và đôi đũa. Trước tiên mình cầm dao, đâm lụn vào da con bò... 
    Quả đúng như lời, mũi dao vừa xắn vào da bò là một lỏi thịt đỏ tươi từ từ vọt ra. Ông tổng Báu cắt khúc thịt nửa sống nửa chín ấy, gắp trong đũa. 
    Ðến bàn thứ nhứt, ông lượm một miếng chuối chát, kế đến, miếng rau sống, miếng bánh tráng rồi ông gói lại, đem chấm tại bàn có mắm nêm. Tràng pháo tay nổi lên... Ông tổng đưa miếng thịt bò vào miệng. Rồi ông đến bàn rượu, nâng lên chén rượu đế! 
    Cử toạ lần lượt vào tiệc. 
    Họ sáp hàng một, lụi mũi dao vào hông con bò, cắt thịt rồi đi dạo vòng quan con bò, từ bàn chuối chát đến bàn rượu... theo cái vòng lẩn quẩn thú vị. Ðêm càng khuya, bao tử của đám thực khách càng đầy thịt rượu... Lần đầu tiên, được thưởng thức món ăn đầy đủ hương vị “bản xứ thuộc địa miền nhiệt đới,” quan phó chủ tỉnh uống rượu say mèm... Ông ta nói: 
    - Uổng quá! Phải chi ở chợ... mình mở ra dạ hội khiêu vũ. 
    Ông tổng Báu chắp tay, kiếu lỗi: 
    - Dạ, chốn này quê mùa, thiếu gái đẹp... 
    Ðâu được. Ðàn ông có thể khiêu vũ với đàn ông... Nãy giờ, ăn thịt bò hơi nhiều, ăn chỉ có một thứ. 
    Bỗng dưng, từ trong phòng khách có tiếng“Ké! Ké! Ré! Ré!” lanh lảnh! 
    Cử toạ giựt mình và ông tổng Báu như sống trong cơn ác mộng! Trời ơi! Con trích ré của bé Kiều lại chạy xuống, vừa chạy vừa vỗ cánh, vừa vỗ cánh há mỏ, hươi móng. 
    Tất cả quan khách đều là kẻ lạ! Bản năng con chim rừng ấy thúc dục nó phải liều mạng để báo động, hành hung đánh đuổi... quân thù! Và trong đám quan khách ấy, người xa lạ và khó thương nhất chính là kẻ lớn con, ăn mặc lạ lùng mà hồi nào đến giờ nó chưa từng thấy. 
    Ông tổng Báu la lên: 
    - Bà Hai! Tôi giết bà bây giờ. Bộ bà ngủ gục ở trển hả? 
    Cử toạ xô ghế, đứng dậy... ông phá tham biện cứ ngồi lì một chỗ. Ông ta khòm xuống thấp, dang hai tay ra để chào đón cho chim quá đẹp. 
    Con trích nhảy tới, đá túi bụi... Ông phó tham biện chủ tỉnh cố gắng chụp nó vào lòng để vuốt ve... 
    Ông tổng Báu la hoảng: 
    - Quan lớn coi chừng! 
    Ông tổng vừa dứt lời, quan phó tham biện cau mày, rút khăn mù soa chùi mấy vết máu tươm ra trên làn da tay vừa bị đâm, bị mổ. 
    Con trích thối lui, thủ thế. 
    Từ phía sau, bé Kiều la lên: 
    - Trích! Trích! Mầy chạy đi đâu vậy? Nãy giờ tao thức dậy kiếm mầy gần chết! Lạ lắm hả? 
    Con trích lại phóng tới, mổ vào mặt quan phó tham biện. Tức giận, quan phó tham biện đứng dậy, đá mạnh. Trúng mũi giày da, cont rích đau điếng, té nhào vì mất thế quân bình. 
    Ông tổng Báu đổ mồ hôi hột vì linh tính như báo trước điềm không may. Ông chạy tới, chụp con trích rồi xin lỗi: 
    - Quan lớn đừng phiền. Nãy giờ tôi nhốt con trích này ở trên lầu. Chẳng qua lạ sự sơ sót. Ðể tôi lấy thuốc thoa cho quan lớn. 
    Nhưng... đường đường một đấng thượng quan, lẽ nào quan phó tham biện lại chịu thua một con chim nhỏ bé... Ông ta nói: 
    - Ðưa cho tôi coi! 
    Tổng Báu run rẩy, nghĩ đến phản ứng của bé Kiều. Con trích ré lên thật to, mổ vào mắt ông phó tham biện. 
    Lầnnày ông đề phòng trước, chụp mỏ nó rồi vặn cổ. 
    Bé Kiều khóc thét lên: 
    - Trả cho tôi! Trả lại cho tôi! 
    Ông phó tham biện đắc thắng, mặt mày vênh váo như vừa giết được kẻ thù. Bé Kiều là đứa con nít quèn, đâu xứng mặt đối thoại với ông ta. Ông ta tiếp tục làm công việc của kè chiến thắng: 
    - Ðể tôi“rô ti” con trích này, thịt nó ngon lắm. 
    Vừa dứt lời, ông ta quăng xác con trích vào đống than đỏ rực. Bé Kiều từ nãy giờ theo dõi mọi hành động của ông Tây tàn ác. Nó chạy tới để cấu xé ông Tây lạ mặt. may thay, bà Hai chận lại, nài nỉ: 
    - Tội nghiệp tôi, cô ơi! 
    Mùi lông trích bay lên khét lẹt, bé Kiều cắn tay bà Hai để giải vây rồi chỉ ngón tay vào mặt quan phó tham biện: 
    - Chết mẹ mầy! Mầy nướng... 
    Nhanh như chớp, ông tổng Báu tới bên cạnh bé Kiều, bụm miệng con rồi giả vờ đóng kịch: 
    - Bà con xem... Thấy con trích cắn quan lớn, bé Kiều nổi giận, đòi nướng con trích, đòi giết con trích cho hả giận... À! Thôi, lên phòng nằm, sáng mại ba kiếm cho con một con trích khác. 
    Rồi ông nói với bà Hai: 
    - Ðem bé Kiều lên tầng lầu trên. Còn bà thì đứng lẩn quẩn gần đây, coi chừng nó chạy trở xuống, nói bậy, ở tù cả đám. 
    Bé Kiều, nổi điên lên. Hai bàn tay bà Hai nhấc nó khỏi mặt đất, bồng nó lên tầng lầu. Rồi bà Hai trở xuống ngồi chận ngay thang lầu. 
    Bé Kiều nhớ tới con trích khôn ngoan hằng đêm ngủ với nó, hằng ngày ăn uống đùa giỡn với nó. Trời! Con trích này chết rồi! Giận quá. Thủ phạm lại là cha nó. Nếu cha nó không trao cho ông Tây thì con trích vẫn sống nhăn. Bé Kiều quyết trả thù. Phải làm một việc mà cha nó khi hay tin sẽ khóc... như nó đã khóc. Nó sực nhớ đến cái hồ nước ở gần nhà bếp. Mọi khi cha nó căn dặn, ngăn cấm không cho nó lại gần. Ðêm nay, lát nữa, nó sẽ bắc ghế, rình lúc người ở nhà bếp sơ ý... Nó nhảy vô hồ nước để trốn. Hồ nước mát lắm. Nhảy vào đó như nhảy xuống sông. Tại sao cha nó ngăn cấm không cho nó tắm dưới sông... 
    * 
    * * 
    Tàn bữa tiệc, sau khi quan khách ra về, ông tổng Báu đến tủ thờ, đem cái huy chương Canh Nông ra gắn trước ngực. Rồi ông ta chạy lên lầu để an ủi bé Kiều, khoe khoang với bé Kiều rằng cái huy chương quý hơn con trích. Nếu cần, ông sẵn sàng cho bé Kiều mang cái huy chương để ngủ đêm nay. 
    Ông trố mắt: 
    - Bé Kiều đâu? Bà Hai. 
    Bà Hai đáp: 
    - Dạ, cô bé ở đâu đó mà! 
    Bọn gia nhân đốt đuốc, chạy lăng xăng. Hồi lâu, công việc tìm kiếm được chấm dứt vì một đứa gia nhân đã sực nhớ tới cái hồ nước. Anh ta cầm đuốc, dựa bên thành hồ, trố mắt... bàn tay rụng rời buông ngọn đuốc... 

  

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 2: Cây huê xà bí ẩn

Cây huê xà là cây gì? Có thật hay bịa đặt? Nó có lợi hay có hại? Câu hỏi ấy luẩn quẩn trong tâm trí biết bao người yêu thích Sơn Nam về loài cây bí ẩn trị rắn độc.

Bí ẩn huê xà

Ở rạch Thuồng Luồng vừa có thầy Hai Rắn nổi danh do tài nghệ siêu phàm trị rắn độc cắn, điều khiển được mãng xà vương. Năm Điền là thầy rắn lừng danh nay lu mờ trước Hai Rắn đã nảy sinh mối thâm thù. Năm Điền nào biết điều khiển rắn, bèn xúi con gái là Lài yêu đương với Lợi, con trai Hai Rắn để moi “bùa” quy phục rắn. Lợi tiết lộ cha nó dùng 5 thứ thuốc nhưng thứ chính là cây huê xà nên rắn độc ngửi hơi sợ, ê răng ê mỏ. Nghe con thuật lại, Năm Điền thấy tên cây lạ quá ngỡ thằng Lợi nói gạt. Vì háo danh, thầy Năm kéo theo con Lài thử độc và cả hai bị rắn cắn chết do thiếu vị thuốc huê xà (trích Cây huê xà - Hương rừng Cà Mau).

Trong truyện, Sơn Nam thông qua nhân vật tiết lộ cây huê xà hiếm có, mọc trên chót núi Cấm (nay thuộc xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang). Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên, nói: “Cây huê xà trị rắn cắn có thật, nó mọc rất ít trên núi, nên khó ai tìm”. Miệt Thất Sơn ngày đó hoang vu lắm, loài rắn độc như chàm quạp, hổ mây, cạp nong, hổ chuối, lục đuôi đỏ... tung hoành tạo nên cuộc chiến sinh tồn âm thầm giữa người và rắn. Tùy theo loài rắn mà các thầy rắn dùng thuốc, dùng ngải, dùng bùa, dùng sừng dinh... chống trả. Bây giờ rừng rú nhường bước dân cư đông đúc nhưng năm nào cũng có người tử vong, bị trúng độc do rắn cắn. Thế nhưng, nghe tả cây trị rắn độc tên huê xà màu sắc vằn vện như da rắn, dây mút tròn, người già, thầy rắn đều lấy làm lạ. Họ trầm ngâm nếu có biết cây thần sầu đó thì nhiều người sống trên núi Cấm và miệt Thất Sơn đâu uổng mạng vì rắn.

 
Cây huê xà bông trắng - Ảnh: Thanh Dũng

Mấy cụ khuyên đâu thử về Ba Chúc (H.Tri Tôn) hỏi các thầy rắn có trồng cây ấy. Những năm 1990 vùng này rắn còn lềnh khênh, ban đêm rắn rượt chuột chạy trên mái nhà. Nhiều rắn lớn nằm sau nhà gáy le te như gà nghe lạnh người, con nít mà chiều tối huýt sáo rắn độc nghe bò vào nhà cả bầy... Một thầy rắn tên T. vừa giải nghệ nhà ở núi Dài thú thực ông và nhiều thầy rắn có nghe nhưng chưa đủ “nhỡn lực” tìm ra cây huê xà. Ông T. kể mỗi người theo nghề rắn có “bí kíp” và thờ tổ theo cách riêng. Như bản thân ông đã nuôi cặp rắn hổ mây để phù hộ, lần đó như thường lệ cho rắn ăn bất ngờ chúng đớp lại, biết “rắn phản chủ” báo điềm dữ nên ông tạ tổ, phóng sinh cặp rắn vào rừng, đoạn tuyệt với rắn.

Hỏi nhiều thầy rắn, cụ lão người ta chỉ dẫn mơ hồ. Tưởng không có duyên với Sơn Nam thì có người khuyên nên gặp Bảy Phong (Lê Thanh Phong,  55 tuổi), người đi săn thuốc rừng số một ở An Giang. Nếu ông Phong không biết nơi cây huê xà mọc thì nên bỏ cuộc, hỏi thêm ai cũng vô ích. Nhưng gặp ông Phong cũng khó vì ông đi rừng nhiều hơn ở nhà và đó là người rất kiệm lời, bí hiểm...

Cây tổ trị rắn

Sau nhiều lần hẹn mới gặp được cao nhơn săn thuốc rừng.  Ông Phong chậm rãi: “Huê xà có nhiều loại, trong đó cây huê xà có bông trắng và bông đỏ là công dụng nhất. Cây huê xà bông đỏ được những người bắt rắn, thầy rắn gọi là “cây tổ” vì rắn độc rất sợ cây này”. Ông Phong cho biết nơi có cây huê xà mọc gần đó rắn độc không dám bò, ở vùng trung du người ta gọi nó là cây gió lửa vì bông huê xà màu đỏ rực rất đẹp, cách 4 tháng chúng lại trổ bông. Ông Phong nói: “Huê xà ghê gớm lắm, người đang bị rắn cắn nhai lá hay bông không sao, còn người thường nhai huê xà bị bỏng lưỡi, bỏng miệng như nuốt nước sôi. Tôi từng dùng huê xà giúp một số người bị rắn cắn, cho họ nhai lá xong thấy người mát lạnh, sau đó lấy xác lá đắp lên vết cắn, phối vài vị thuốc thì nọc độc tan hết. Cây hiếm và khó tìm nên tôi đã lấy giống đưa bạn bè ở An Giang nghiên cứu trồng thử, tìm hiểu thêm công dụng trị các bệnh khác”.

Ông Phong phục lắm, nói các thầy rắn giấu tuyệt kỹ, bí truyền phương thuốc cho đệ tử ruột để giữ danh “thầy rắn” hay cao nhơn trị rắn, vậy không hiểu sao Sơn Nam vẫn moi được bí mật vị thuốc cây huê xà. Ngoài ra, cây huê xà bí ẩn và ít được biết do các thầy rắn không phổ biến vì sợ có lỗi với “tổ”, vì công dụng thần bí của chúng làm người ta hám lợi, hám danh đi săn lùng làm “bùa hộ thân” tàn sát rắn gây sát nghiệp. Rắn nào thù oán với người, tạo hóa ban cho các loài cây thuốc để khắc chế nộc độc chứ không dùng chúng lạm sát rắn, những người lợi dụng nghiệp tổ rốt cuộc bị quả báo phản bùa, phản thuốc, chết vì rắn cắn là cái oán nghiệt của nghề rắn.

Ông Phong nói ngày xưa miệt vườn sinh đẻ có bà mụ đỡ, bệnh có thầy lang lo, rắn độc có thầy rắn trị. Ông Phong nghiêm túc: “Bây giờ khoa học tiến bộ nên bị rắn độc cắn đưa vào bệnh viện điều trị, cách trị rắn như cây huê xà bị xem là huyền hoặc. Nhưng hàng chục năm trước, miền Tây rừng rú, rắn độc có khắp nơi, nó vào tận nhà, vào tận buồng ngủ, nó cắn người tước đi bao nhiêu nhân mạng. Thời buổi đó các thầy rắn xuất hiện là thuận lẽ tự nhiên, họ dùng các cây cỏ, cây thuốc giành giật mạng sống với nhiều phương cách bí hiểm, dị thường nên người đời cho là huyền bí, siêu nhiên”.

Cây huê xà cùng thầy rắn miệt vườn là những người bằng xương bằng thịt đã trở thành huyền thoại cho một thời khẩn hoang “dưới sông sấu bắt, lên rừng cọp tha, ra đồng rắn cắn”..

 

 

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 3: Thầy võ và tướng cướp

Thời trai trẻ Sơn Nam từng chạm mặt võ sĩ lừng danh cùng tướng cướp khét tiếng cuối trời Nam. Và hai nhân vật ấy đã hóa vào trang sách.

Võ sĩ Sáu Cường

Truyện Vẹt lục bình trong tập truyện ngắn Biển cỏ miền Tây miêu tả địa danh Tràm Trốc là nơi lục bình trôi thành dề dày bịt trên sông rạch làm thối lòng dân thương hồ qua giáp sông này. Nhân vật là Hai Cần và lão Ngượt chèo tới đây đuối quá bỏ xuồng lội vào bờ. Dân địa phương an ủi Hai Cần dù anh khỏe, nhưng bậc võ sĩ vô địch Trà Vinh là Sáu Cường cũng thua lục bình. Nghe đồn ông từng xuống đây, thử chạy như bay qua chỗ giáp lục bình, bị sụp chân té xuống uống nước tưởng chết luôn...

  
Ông Liêm Châu - người có mối duyên với Sơn Nam - Ảnh: T.D

Nhiều thầy võ đọc tới đoạn này nói ông già gan trời dám bẹo gan Sáu Cường, ông Cường mà sống lại, tung vài cước hồn vía Sơn Nam chẳng còn. Nhưng Sơn Nam đâu dám “vuốt râu hùm” bởi hồi trẻ ông đã kính trọng thầy võ này. Trong hồi ký từ U Minh đến Cần Thơ, Sơn Nam bày tỏ: “Năm ấy ở Rạch Giá bày ra hội chợ có tiết mục cuộc đánh võ khiêu khích, võ sĩ quyền anh người da màu là Kid Chocolat đấu với võ sĩ Sáu Cường. Chocolat tìm cách nhập nội đánh những đòn móc quai hàm rất lợi hại, nhưng Sáu Cường đã dùng ngón đá ngàn cân, phòng thủ từ xa. Chocolat trúng cước té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng, xốc tới đánh móc. Rốt cuộc, Sáu Cường thắng điểm rồi đi một đường quyền khá đẹp”. Nhà văn hâm mộ: “Cường cao ráo, tay chân khá dài, thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng. Xem ông đấu, tôi và bao khán giả khác lấy làm hãnh diện cho dân tộc”.

Vậy Sáu Cường là ai? Đó là Nguyễn Phước Cường, quê ở Tiểu Cần (Trà Vinh), được mệnh danh là “thần cước” Nam kỳ. Tên tuổi Sáu Cường vang dội khắp Nam kỳ khi liên tục thượng đài hạ gục các đấu sĩ bằng đòn liên hoàn cước dũng mãnh. Một trong những trận đấu với võ sĩ khét tiếng Anthuong Chay (Thái Lan) rất giỏi đòn tay và chân đã tô điểm thanh danh Sáu Cường khi ông hạ gục đối phương bằng cước pháp. Các thầy võ đoán sở dĩ Sáu Cường giỏi tảo phong cước vì trời phú cho ông hai bàn chân to lớn dị thường.

Thầy giỏi có trò hay nhưng không ai biết Sáu Cường thọ giáo từ đâu. Theo nhà báo Lê Thanh Nguyên, nguyên Trưởng phòng Báo Lao Động khu vực ĐBSCL, thì: “Sáu Cường mê võ thuật và tự luyện tập, ông đào hố trồng cây chuối trong hố rồi tập phóng mình nhảy lên hố. Khi đôi chân búng đất bay vọt khỏi miệng hố như chim, ông tập đá quét các thân chuối, luyện đến lúc tung cú đá liên hoàn gãy rạp hàng loạt thân cây chuối ông Cường xuất môn đấu võ đài”.

Võ sĩ Sáu Cường sau  tham gia cách mạng chống Pháp trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Sợ các thầy võ khác bị ông tác động nên Pháp cho người theo dõi. Năm 1946, mật thám dọ được nơi ông ẩn náu đã huy động lực lượng vây bắt. Sáu Cường tả xung hữu đột nhưng sức người thua súng đạn, ông bị Pháp tử hình tại Trà Vinh sau vài tháng biệt giam.

Tướng cướp Đơn Hùng Tín

Thời Pháp thuộc, đồng bào miền Tiền Giang, Hậu Giang đều nghe danh Đơn Hùng Tín. Trước khi đánh cướp, Tín báo trước ngày giờ để gia chủ đề phòng. Khi quân cướp rút, chẳng ai dám hó hé tố cáo hoặc truy nã. Du đãng Tín thường vượt ngục phá khám hoặc được quan trên... tha bổng. Vì vậy dư luận cho rằng có nhiều ông hương chức hội tề hoặc ông cò Tây đã bí mật làm tay chân cho Tín vì sợ anh ta, vì tham của hoạnh tài (trích Đơn Hùng Tín chào đời - Hương rừng Cà Mau).

Theo nhà văn Trịnh Bửu Hoài, lúc viết bài này Sơn Nam đã nhiều lần tới Châu Đốc trốn Pháp. Tại đây nhà văn đã ở nhờ nhà bạn học cũ là Liêm Châu. Lúc đó Đơn Hùng Tín là nhân vật lục lâm cát cứ vùng Bảy Núi, nhưng chỉ cướp của nhà giàu giúp người nghèo, không sát nhơn đoạt của, không đánh cướp trong vùng Bảy Núi.

Giữa Liêm Châu và Sơn Nam có mối lương duyên. Liêm Châu sinh năm 1924, lớn hơn Sơn Nam 2 tuổi, nhưng một người vùng biển, một người vùng núi lại cùng học chung Trường Collège de Cantho kể từ năm 1940. Sau đó, Sơn Nam lên Sài Gòn đi viết báo, viết văn, còn Liêm Châu về dạy học ở Châu Đốc và viết biên khảo. Ông Châu kể: “Tôi mê tướng cướp hào hiệp này nên hay kể Sơn Nam đây là tướng cướp khinh tài trọng nghĩa. Bản thân tôi hồi đó đã viết thiên truyện Ngũ hổ Đơn Hùng Tín lấy bút danh là Châu Sơn Lâm và nhờ Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang gửi báo Điện Tín đăng nhiều kỳ, bạn đọc thích lắm. Sau này tôi tổng hợp truyện Ngũ hổ Đơn Hùng Tín gồm 5 tập viết theo phong cách kiếm hiệp, một tập hơn 300 trang đem in, năm 1991 một nhà xuất bản ở TP.HCM đã in trước 3 tập trả tôi nhuận quyền là 1 triệu đồng. Nhưng sau đó, gặp ngay đợt sách kiếm hiệp Kim Dung in lậu ồ ạt nên bộ sách này chựng lại”.

 

- Kỳ 4: “Cọp nước” miền Tây

Màu da vằn vện của nó chờn vờn xuyên qua bóng nước nhìn hung tợn như cọp beo nên người dân gán cho cái tên là cọp nước hay beo nước. 

Cá nào rình bắt chim ăn thịt ?

Khi biên khảo tập sách Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, nhà văn Sơn Nam có nhắc đến chuyện khó tin, rằng con ó đáp xuống sông, dùng móng nhọn bắt cá, nhưng bị cá to đớp lại, ó bị trói chân kêu la thảm thiết làm mồi cho cá. Còn trong truyện Con cá chết dại ông miêu tả cái xứ mà cá lóc đớp mồi đùng đùng nhưng gặp ngay mùa cá dại, lũ cá lóc chết trôi lờ đờ đen cả bờ sông gây hiếu kỳ người đọc.

Miệt sông nước thiếu gì cá to nhưng là cá hiền, vậy loài cá nào rình bắt chim dữ ăn thịt? Ông Võ Xên, ngụ ở An Giang được phong tặng “thần đèn” do có biệt tài chỉnh nhà nghiêng lún cho biết ông Sơn Nam đâu có viết quá, cá dữ đó là cá bông gấm hay còn gọi là “cọp nước”. Ông cười: “Tôi đã già nhưng vẫn mê chuyện con cua, con cá đồng quê bởi nó là phần hồn, là thời thơ ấu khó phai”. Ký ức xưa cuộn trào đưa ông già 73 tuổi về thời niên thiếu. Ngày ấy, ông Võ Xên mê tôm cá nên hay theo các lão ngư ở H.Thoại Sơn đi rình đâm cá bông gấm trong mùa nước nổi. Ông Xên nhớ lại: “Nó dài hơn 1 thước như  khối gỗ súc, da vằn vện, khi bơi lội nhìn sắc bông nó chờn vờn đáng sợ nên người ta gọi là cọp nước. Nó dữ lắm, gặp vật gì đang lội nó sấn lại táp”. Để bắt được cá, người ta lấy lao phóng, bị lao ghim vào da thịt, cá bỏ chạy kéo theo cây lao có buộc dây thừng dài đã cột chặt vào thùng to. Khi cá đuối sức người ta mới vây bắt, xẻ thịt bán bởi thịt cá rất ngon. Theo ông Xên, mật cá bông gấm càng lớn càng ngọt, người ta lấy mật chà lên thịt cá nào thì miếng thịt cá đó đem nấu ăn ngọt lự.

 
Cá bông ngày nay được nuôi bán thịt nên hiền như cá lóc đồng - Ảnh: Thanh Dũng

Ngư dân Sáu Kỷ (ngụ thị trấn Chợ Vàm, H.Phú Tân, An Giang) nhớ lại ngày xưa người ta quây cái tum trên cánh đồng ngập nước, sau đó lấy dây buộc chân con vịt to và thả ra cho vịt bơi lội gần tum. Khi thấy nước tự nhiên đục người săn cá núp trong tum biết cá bông gấm đang lội tới ăn vịt bèn cầm cây mũi chĩa thủ thế chuẩn bị đâm...

Nhà biên khảo Liêm Châu (89 tuổi), người được xem là pho sách sống vùng Thất Sơn (An Giang) nghi vấn cá bông gấm hay còn gọi là cá hồng vện là loài thủy quái từng gây kinh hoàng sông nước. Theo ông Châu, nếu người ta tin rằng con lươn sống lâu mặt hóa thành chồn thì hồng vện sống lâu năm mặt dữ như cọp beo. Ông Liêm Châu nhớ lại: “Té sông hay bơi qua sông gặp bầy hồng vện chừng vài con là bị chúng bu tới xâu xé. Mũi chúng thính nhạy với mùi máu, để diệt chúng người ta lấy trái bí đao già luộc chung với dây thuốc cá liệng xuống sông. Ruột bí đao giữ nhiệt độ lâu nguội, cá nuốt vào vừa bị trúng độc dây thuốc cá vừa bị cháy ruột chết. Những con hồng vện khác bu lại xâu xé xác cá cũng bị trúng độc chết theo...”. Theo ông Liêm Châu, ngày nay ở kinh rạch còn hồng vện nhưng cá rất nhỏ do lớn chưa kịp đã bị bắt. 

Khiếp con bống mú

“Thần đèn” Võ Xên nói nhắc đến cá dữ mà bỏ qua cá bống mú là thiếu sót. Ông Xên nói lúc đọc truyện Cá bống mú của nhà văn Đoàn Giỏi (nổi tiếng với truyện Đất rừng Phương Nam), ông ngạc nhiên cá bống Vàm Rầy bộ dữ lắm sao mà nuốt cả người. Sau đó, ông Xên cùng bạn bè xuống Vàm Rầy, Hà Tiên công việc. Trong đoàn có người làm rơi vật dụng xuống kinh Vàm Rầy, anh này toan nhảy xuống kinh vớt thì nghe người dân la bài hải: “Coi chừng cá bống mú táp chết”. Theo ông Xên, trong truyện Đoàn Giỏi tả cá bống mú Vàm Rầy to bằng gian nhà một căn, hớp một hơi nuốt người vào bụng như cá lia thia đớp lăng quăng là hơi quá. Thực tế chúng dài khoảng 2 - 4 thước, chó mèo, gà vịt rớt xuống kinh làm mồi ngon cho chúng, còn người ta đang tắm thấy bóng chúng nhảy lên bờ liền. 

Tôi ra Vàm Rầy, cái xứ mà xưa kia người dân thưa thớt, cọp đi để lại dấu chân, rắn hổ mây bò thành lằn, voi ỉa cứt còn nóng nay đã thành đường lộ,  đường làng lót đan. Người dân chỉ bà Nguyễn Thị Út (63 tuổi, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Sơn, H.Hòn Đất, Kiên Giang) là dân cố cựu xứ này từng sống bằng nghề bắt cá. Bà Út gật gù nhớ lại ngày xưa người dân xóm này rất sợ cá mập, bống mú. Bà Út nói: “Hồi còn trẻ tôi cùng nhiều người trong xóm đi bắt cá, neo mình dưới nước bị bống mú, cá mập đớp bị thương hoài, có người bị cá táp cụt tay, cụt ngón chân...”.

Theo ông Võ Xên, cá lóc bông ngày nay là hậu duệ cá bông gấm được người ta nuôi bán thịt, con vài ký là bán nên tính hoang dại cũng giảm dần. Còn cá bống mú ngày nay nhỏ hiền như truyện Tấm Cám ngày xưa chẳng dọa được ai. Những con cá từng gây kinh hoàng cho người dân nay ẩn tích dưới đáy sâu.

Mà đâu gì con bống mú hay bông gấm, truyện Con cá chết dại mà Sơn Nam viết ở xứ nước mặn ngọt U Minh mỗi năm có một mùa cá dại nay cũng lạ dần. Vào mùa đó nước mặn cuối năm tràn vô rạch, bao nhiêu cá lóc nước ngọt bị say nước mặn, cuống cuồng bơi trốn không kịp chết trôi lờ đờ cho người ta vớt xác. Nhà báo Phan Trọng Ân (Báo An Giang) nhớ lại: “Câu chuyện trên đâu lạ gì với người dân Bảy Núi, bởi mùa cá dại ở miệt này xảy ra vào khoảng tháng 10 âm lịch, do nước cỏ có chứa phèn chua chảy ra làm cá tôm bị xốn, bị nổ mắt nên chúng ngoi đầu nổi lờ đờ trên nước cho người ta xúc, lấy chĩa đâm...”. Bây giờ mùa cá dại ở An Giang mới đó đã là chuyện xưa, con cá chết dại giờ còn chăng ở miệt nào đó trong cõi tâm thức của những người yêu mến Sơn Nam.

Thanh Dũng

 

 

 

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 5: Bắt sấu ở đảo tiên

Truyện bắt sấu ở rừng là mưu kế hay của người xưa chống lại ác thú, còn truyện con tắc kè là bài học cay như ớt...

“Bí kíp” bắt sấu ở đất tiên

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở cù lao Phú Tân (An Giang), tán thưởng: “Đọc Hương rừng Cà Mau thấy hương rừng tỏa hương cả miền Tây chứ đâu riêng gì miệt U Minh. Những nhân vật, những đặc cảnh trong đó mang máng như vùng quê mình. Chẳng hạn truyện Bắt sấu rừng U Minh hạ đâu khác gì cách bắt sấu ở cù lao Giêng, H.Chợ Mới, An Giang. Ở nơi đó còn giữ “bí kíp” bắt sấu, bắt cọp độc chiêu lạ thường”.

Trong truyện, ông Năm Hên làm cả xóm rạch Cái Tàu sợ rụng rời khi bắt trọn bầy sấu, có cả con sấu chúa trán có tam tinh bằng mưu kế cao siêu. “Trước hết ông vào ao sấu, đào một đường thoát, đốt lau sậy cháy làm lũ sấu bị bỏng phải chạy vào đường thoát. Khi lũ sấu há miệng táp, ông Năm liền liệng khúc mốp vào miệng làm chúng dính cứng hàm răng không há miệng được. Sao đó ông dùng lưỡi mác xoắn nhẹ đứt gân đuôi sấu biến cá dữ thành loài vô hại...” (trích Bắt sấu rừng U Minh hạ - Hương rừng Cà Mau).

 
Cá sấu ngày xưa là hung thần sông nước

Ông Hiệp chỉ tôi về cù lao Giêng - cù lao ngày xưa được sách Gia Định thành thông chí gọi là Doanh Châu bởi cảnh đẹp như tam cảnh hạ giới gồm Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Ông Nguyễn Văn Cu (60 tuổi), dân cố cựu ở cù lao Giêng kể trước kia vùng này hoang vu còn lắm sấu, cọp. Gia đình nào có con trưởng bị sấu bắt, cọp vồ, gia tộc phải tìm cách tiêu diệt chúng để tránh cái "huông" về sau. Ông Cu cho biết cụ tổ ông là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc khoảng năm 1700 theo Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng thời chúa Nguyễn đến cù lao này khai phá và trải qua đến nay đã 11 thế hệ với họ tộc lên đến cả trăm người. Ông Cu nói: “Dòng tộc tôi còn giữ “bí kíp” ông cha truyền lại cách bắt sống sấu không dùng lưỡi câu hay lặn xuống bắt chúng bằng lưới”.

Ông Cu lật đật lấy “bí kíp”, trong đó ghi rõ sấu dữ phá hoại bắt người ăn nên tổ tiên lấy thân cây to xóc thành bãi nọc nằm hai hàng so le ven bờ sông. Miệng bãi nọc càng vào sâu đất liền càng hẹp, xong tổ tiên bắt gia cầm, gia súc buộc cho chúng đi quanh quẩn cuối bãi nọc. Cá sấu thấy mồi trườn sâu vào bãi bắt, càng vào sâu thân hình chúng bị mắc kẹt trong hàng cây nọc, cái đuôi sấu là vũ khí lợi hại nhưng đồng thời cũng là nhược điểm làm chúng bò lui hay bơi lui không được. Chúng tiến không được, bò lùi không xong nên nằm chết trân. Lúc đó ta lấy dao bén cắt gân đuôi của sấu, khóp mỏ trói gô bắt nhốt như bắt gà.

Ông Cu kể: “Hồi xưa ven sông là các bãi nọc chạy dài nên sấu bò vào nọc là hết đường thoát, chúng sợ không dám vào quậy phá bắt người, bắt gia súc. Thú dữ thua sức nên dân cư an tâm tới đây sinh sôi lập nghiệp đông dần. Từ nọc bắt sấu cha ông mới chế thêm cách bắt cá bằng đăng, đáy... về sau tôi nghe nói ở miệt biển người ta cắm cây xây nò bắt cá, không biết có phải do từ nọc bắt sấu biến tấu ra không”.

Bài học tắc kè

Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên (An Giang) nói ngày xưa ông đọc truyện của Sơn Nam nhưng đâu có ngờ mấy chục năm sau sự tình lại diễn ra như trong truyện. Truyện rằng: “Xứ Gò Quao nhốn nháo do có tay đầu nậu thu gom mua tắc kè. Hỏi mua làm gì, đáp về lột da bán ra ngoại quốc cho Tây với đầm làm bóp, làm dây nịt. Người lạ cho hàng chục tay em về thôn quê gom tắc kè với giá hơi cao. Dân khá giả trong vùng thấy lạ bèn xuất tiền mua tắc kè của bọn tay em đem bán lại cho đầu nậu ở chợ Gò Quao với giá cao. Nhưng số tắc kè dự trữ ấy chỉ bán được lần đầu mà thôi vì tay tổ lưu manh làm đầu nậu ấy chỉ mua một lần đầu lấy lệ. Ai lỡ mua dự trữ tắc kè quá nhiều với giá khá cao tưởng rằng bán lại lời to đành ôm cục tức bởi tay tổ lưu manh và số tay em đã cao bay xa chạy...” (trích Con rắn ri voi - Hương rừng Cà Mau).

 
Nhà thờ cổ cù lao Giêng được xây từ năm 1879 - Ảnh: T.D

Dẫn chứng truyện xưa bằng minh chứng năm 2011, đột nhiên vùng quê miệt Kiên Giang, An Giang xuất hiện nhiều người gom mua tắc kè con từ 250 gr trở lên với giá cao đến mấy triệu đồng/con. Người dân ngạc nhiên hỏi mua làm gì, mấy lái gom tắc kè úp mở đem bán ra nước ngoài lấy mật bào chế thuốc trị bệnh ung thư, nhiễm HIV. Hậu quả, thanh niên, người dân nghe bùi tai hám lợi bỏ đồng bỏ ruộng đi lội rừng, lội núi săn tắc kè, nhỏ lớn gì cũng tranh giành bắt. Còn người có tiền thuê người mua tắc kè nhỏ lớn với giá cao đem dự trữ chờ lái tới bán hốt bạc nhưng ngóng dài cổ các lái láu cá vẫn biệt tăm.

Lúc đó, những tay săn thứ thiệt như ông Năm Đặng ở Tịnh Biên đã lặng im không tham gia. Kinh nghiệm lâu đời mách bảo ông Năm đây là cái bẫy. “Tắc kè nặng từ 250 gr có đi nữa cũng rất ít. Những người bắt tắc kè nghiệp dư đâu phân biệt được điều khác lạ này, họ đâu có kinh nghiệm nên tốn công dầm sương đêm giỏi lắm bắt được vài con tắc kè nhỏ, đem bán vài chục ngàn đồng/con chỉ thêm lỗ công, phí sức… Nhưng có khuyên cũng chẳng ai nghe”, ông Đặng nhớ lại.

Ông Chung nói tin đồn tắc kè càng lớn mật càng to trị các bệnh ung thư, nhiễm HIV càng hay là bậy. Bởi thực tế tắc kè lớn chưa hẳn mật đã to hơn tắc kè nhỏ, còn trong các sách xưa, sách đông dược không đề cập hay ghi chép mật tắc kè có công dụng trị bệnh ung thư. Ông Chung nói: “Đó là tin đồn ác ý, có tính phá hoại, bởi tắc kè là loài có ích, ăn côn trùng sâu bọ gây hại cho mùa màng. Nếu cứ bắt và tiêu diệt thẳng tay, tắc kè không còn con nào”.

Thanh Dũng

Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 6: Đi tìm mùa len trâu

Chết trong mùa nước nổi là cái chết hành xác, tức tưởi. Trong con nước chụp trắng trời, sâu mấy thước không thể đào huyệt chôn người chết, thân chủ dùng cây nọc cắm xóc tréo để treo thây lên hay neo dưới nước chờ nước giựt...

Đời nước lụt

“Nước lũ tràn về nhấn chìm mọi thứ ở Lình Quỳnh. Cỏ ngâm nước thúi rễ chết, trâu không còn thức ăn đói con mắt đổ ghèn. Chủ trâu xót lòng, thương con vật giúp mình tạo ra hột lúa đang đói lả, lòi be sườn nhìn như cánh cung. Chủ thấy mình bất nhân quá nên thuê người đi len trâu chạy lũ, tìm vùng núi cao chưa ngập lụt cho trâu có cái ăn. Nhưng đi len trâu cũng lắm cái lo, lo đường xa diệu vợi trâu bị trộm cướp bắt, trâu nhiễm bệnh chết giữa đường, trâu mình nhập bầy với hàng trăm con trâu lạ nên bị chúng chém thương tích...” (trích  Mùa len trâu  - Hương rừng Cà Mau).


Những căn nhà ngập trong lũ năm 2011 - Ảnh: T.D 

Xem phim Mùa len trâu, những người đứng tuổi rớt nước mắt ngậm ngùi hồi tưởng phận người trong nước lũ, dù cảnh trong phim không đáng sợ như cảnh thực. Đó là cảnh người chết gói bọc ni lông bỏ xác trong cái quan tài, xốc bốn cây chỏi như hình chữ X, treo quan tài lên đó. Người lo xa thì xây cái chòi che quan tài cho người chết đỡ tủi thân, bên dưới làm thêm một cái sàn đề phòng khi giông gió khiến quan tài rơi xuống...

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bùi ngùi khi tâm sự rằng cách chôn xóc tréo đó trở thành nhân chứng bi thương của mùa nước nổi. Nhưng xóc tréo kiểu đó nếu gặp giông lớn, nước chảy ào ào thì 4 cây chỏi quan tài chịu không nổi bị gãy, quan tài hay xác người rơi xuống nước sẽ bị cuốn đi. Vì thế nơi thưa thớt, nhiều người đã chọn tạm cách thủy táng, họ bó chặt xác người chết bằng nhiều lớp rồi lấy đá cột giằn lên cho nước không cuốn đi. Ngoài ra người ta xốc cây nọc đóng vòng tròn quanh cái xác đã ngâm dưới nước để cá to không lôi ra rỉa hay giông gió to không cuốn xác đi. Sau đó chờ nước giựt, bới xác lên chôn tử tế.

Nhà văn Trịnh Bửu Hoài (61 tuổi, ngụ tại TX.Châu Đốc, An Giang) nhớ lại những năm lũ lớn vùng Châu Phú, Châu Đốc chìm trong nước. Muốn ra khỏi nhà phải đi bằng xuồng ghe, bơi ghe ra đồng hay ra sau hè thấy xa xa chim chóc bay lượn thành quầng trên đọt cây biết nơi đó có treo xác người chết, chim chuột tới rỉa xác. Ai có tiền của thì không nỡ nhìn người thân bị đọa xác nên lên vùng núi cao mua đất chôn cất...

Có những chuyện cười ra nước mắt như xác người để lâu rỉ ra thứ nước thu hút cá tôm, lươn bu tới đớp. Vì thế ban đêm ngư dân tới thả lưới ven đó dính nhiều cá nên ham lắm, gặp khi mưa gió bèn chạy vào chòi đụt, trong sấm chớp đì đùng ngước lên thấy bóng quan tài treo phất phơ như ma quỷ. Một chàng ngư dân hoảng quá phóng xuống xuồng nhưng quên mở dây cột nên bơi mà thấy như có người níu xuồng lại. Càng sợ anh ta càng quýnh quáng vùng hết sức làm cái chòi bị sụp, quan tài rớt xuống sông. Sợ quá anh ta bất tỉnh...

Nước nhảy

Vào năm 1904 lũ lớn kinh hoàng tràn về An Giang biến đường phố Long Xuyên và Châu Đốc thành con sông phải đi lại bằng tàu, bè. Tới năm 1961, mực nước lũ đo tại Tân Châu là 5,11 m, chính quyền cũ ghi lại những thiệt hại này là chết 68 người, 82.000 ha lúa và hoa màu thiệt hại, gần 4.500 nhà bị ngập, 6.500 gia súc bị chết, 300 km đường lộ và 125 cầu bị phá hủy. Năm 1966, lại xuất hiện lũ lớn gây nhiều tổn thất về người và của.

Năm 1978, lũ lớn lại tràn về với mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu là 4,78 m, các năm sau như năm 1984 đỉnh lũ là 4,81 m;  năm 1991 là 4,64 m và năm 1996 là 4,87 m. Trận lũ năm 1996 tại An Giang có 37 người chết, các thiệt hại về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội lên tới hơn 400 tỉ đồng, đó là chưa kể thiệt hại về môi trường sinh thái. Năm 2000, lũ lại hoành hành, mực nước đo tại Tân Châu là 5,06 m;  lũ làm thiệt mạng trên 70 người, tổn thất gây ra lên tới trên 700 tỉ đồng...

Ông Hai Hồng (70 tuổi, ngụ TX.Tân Châu) nhớ lại: “Năm 1961, cả Tân Châu thành biển nước, ngoài sông lớn nước chảy ầm ầm bủa sóng có vòi ngăn ghe tàu qua lại. Ngủ một lúc thức dậy không ai gọi là nước lên nữa mà gọi là nước nhảy vì nó nhảy vọt lên mấy tấc nước. Nhà cửa ở các xã Châu Phong, Vĩnh Xương dù là nhà sàn cao trên 5 m nhưng sàn vẫn ngập”.

Người già bảo lũ rắn rết bị động ổ nên kéo vào nhà trốn và cắn người. Con nít chăm coi sơ sẩy té sông chết. Nước lớn chôn con không được cha mẹ phải gói xác con trong bọc rồi bỏ vào cái khạp hay lu lấy nắp đậy lên, sau đó lấy xi măng trét lại chờ nước rút để an táng. Nước nổi kéo dài 2-3 tháng, trẻ con, thanh niên ban đầu thấy nước lớn ngập đường nên bơi lội suốt ngày. Nhưng chỉ vài ngày nước ăn lở loét các ngón chân lòi thịt đỏ au, bị đau xốn như dao cắt phải lấy phèn chua xức không dám thò chân đụng nước. Còn người già ngồi rũ rượi, đăm đắm ngước nhìn trời mong gặp chim nhạn trắng bay ra báo hiệu điềm lành nước rút như ông bà xưa vẫn truyền lại. Đâu xa xôi gì, trong năm 2000, cảnh chôn xóc tréo vẫn còn tái diễn ở vùng lũ An Giang, Đồng Tháp.

Năm 2011, lũ lớn tràn về miền Tây nhưng lúc này đường lộ đã được nâng lên, các con đê được đắp cao nên cảnh đau buồn, chết trong lũ không còn cảnh chôn xóc tréo, trẻ em không bị bọc xác chôn trong lu... Bây giờ vạn vật đã thay đổi, không còn mùa len trâu khi hàng trăm ngàn con trâu đi tìm cỏ, con trâu cũng không còn là đầu cơ nghiệp... Đọc Hương rừng Cà Mau ngậm ngùi nhớ lại chuyện thực thời xa xưa...

 

Post ngày: 10/19/17 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17