Home Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 
ĐỊA DANH DU LỊCH NINH BÌNH - ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NINH BÌNH

Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Theo quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế thì Ninh Bình thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù được xếp vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng Ninh Bình chỉ có 2 huyện duyên hải là Yên Khánh và Kim Sơn không thuộc miền núi. Chính nhờ vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa mà Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và vượt trội so với các tỉnh phía Bắc khác.



--------------------------------------------------------------------------------

TAM CỐC - BÍCH ĐỘNG NINH BÌNH:
Tam Cốc — Bích Động là một quần thể di tích-danh thắng nằm trên địa phận xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có diện tích 350,3 ha. Từ trung tâm thành phố Ninh Bình du khách đi theo quốc lộ 1A hướng đi Ninh Bình — Thanh Hoá khoảng 4 km tới ngã tư Cầu Vòm, rẽ phải 2 km là tới trung tâm khu du lịch này.
Ngồi trên những chiếc thuyền nan, lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận rõ cái trong trẻo của không gian nơi đây, không tiếng còi xe, tiếng máy nổ, không có những chùm âm thanh tạp nham nơi phố thị, chỉ có tiếng mái chèo nhè nhẹ, ràn rạt, tiếng gió vi vu vuốt qua những cung đàn đá, tiếng chim lảnh lót buông từng nốt nhạc trong không gian và tiếng những giọt nước tong tong nhỏ như cách giữ nhịp thời gian của đá núi.
Các điểm du lịch có trong khu:
1.Tam cốc.
2.Xuyên Thủy Động.
3.Hành cung Vũ Lâm - Đền Thái Vi.
4.Linh Cốc Hải Nham.
5.Động Thiên Hương.
6.Động Tiên.
7.Chùa Bích Động.


--------------------------------------------------------------------------------

TƯỢNG PHẬT TỔ LỚN NHẤT VIỆT NAM - NINH BÌNH:
chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, (Gia Viễn-Ninh Bình), trong điện thờ Pháp chủ xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ, hoành tráng, cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3 m, có diện tích 1.945 m2 đặt một pho tượng lớn bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10 m, nặng 100 tấn trên bệ cao 1,5 m ốp đá thước chạm hoa văn trông rất bề thế.
Đó là pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen, ở gian giữa. Mặt Ngài mang dáng vẻ hiền từ, miệng thoáng nụ cười cứu độ, tai to dài (sự cao quý), mũi thẳng đều đặn (tướng chính nhân quân tử), tóc xoắn ốc bướu nổi trên đầu (đề cao trí tuệ và nội tâm), mặc áo ca sa (“ca” là nhiều, “sa” là cát, có nghĩa là áo khoác từ nhiều mụn vải quyên góp mà thành), biểu tượng tạo cho tâm thanh lòng tĩnh để trí tuệ phát sinh nhằm diệt trừ: Tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ.
Đặc biệt là mắt bao giờ cũng nhìn xuống soi rọi nội tâm. Mọi biểu hiện về trí tuệ, lòng từ bi quảng đại, sức mạnh Phật pháp đã thể hiện qua hình hài của tượng. Giữa ngực Ngài có chữ “vạn”, biểu thị công đức, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật (là phù hiệu, không phải là chữ viết). Tay phải cầm búp sen cao gần ngang đầu. Tư thế này gọi là tượng Hoa Niêm. Chân khoanh chỉ lộ một bần chân phải để chống tà ma. Tay trái để ngang trước bụng.
Toà sen là 3 lớp cánh sen. Hai lớp trên chồng lên nhau: Lớp trên cánh sen nhỏ, lớp dưới so le nổi rõ cánh sen to. Lớp thứ 3, gần như đối xứng với cánh sen to ở trên là một làn cánh sen rủ xuống, hình dung như lòng từ bi của Phật đang che chở cho muôn loài đã biết quy y hối cải.
Phía sau tượng là một phù điêu rộng lớn hình lá đề được làm bằng đồng (thúc đồng) gồm nhiều mảnh ghép lại, có gắn hàng trăm pho tượng Phật nhỏ đúc bằng đồng theo kích cỡ khác nhau. Nhìn pho tượng đồng lớn, đồ sộ, du khách sẽ sửng sốt, bàng hoàng, thán phục trước tài nghệ của các nghệ nhân đúc đồng đã làm nên tuyệt tác vĩ đại này.
Chỉ riêng công việc vận chuyển pho tượng đồng nặng 100 tấn lên đồi núi cao và đặt trong điện đã là một kỳ công. Pho tượng này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”, ngày 4-5-2006. Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc.
Đức tượng Thích Ca Mâu Ni, trước tiên phải có mẫu. Mẫu tượng làm bằng thạch cao với sơ đay dựng bằng khung tre. Có mẫu tượng rồi phải làm khuôn. Công việc khó khăn, vất vả và lâu nhất là làm khuôn nguội mới đúc được đồng đỏ.
Khâu đầu tiên của việc làm khuôn là dùng đất sét đen cho vào máy xay nghiền nhỏ với trấu và giấy bồi để cho đất chịu nhiệt và dễ thoát hơi. Dùng đất đó cùng với khung sắt theo từng ô đắp phủ lên mẫu thạch cao theo tỷ lệ 1/1, tức là làm khuôn ngoài, gọi là bìa, khuôn trong nhỏ hơn mẫu tượng cũng làm bằng đất, gọi là thao. Làm thao rất khó, cũng dựng bằng khung sắt nhưng phải nhỏ hơn mẫu để tạo ra khoảng cách giữa bìa và thao từ 3 đến 5 cm.
Công đoạn lắp ghép hai khuôn có khoảng trống ở giữa để đổ đồng vào là vô cùng quan trọng, phải chính xác theo đúng độ dày của mẫu tượng ở tất cả các bộ phận. Nếu lệch một chút là đồng sẽ có chỗ dày, chỗ mỏng. Làm khuôn tượng phải mất 5 tháng mới xong. Khuôn tượng có thể để trên mặt đất hoặc lật ngược đặt sâu xuống lòng đất tuỳ theo địa hình của xưởng đúc.
Khi đã hoàn chỉnh khuôn tượng mới đến khâu nấu đồng, rót đồng đổ vào khuôn. Dĩ nhiên khi nấu đồng đều có cho một số vàng vào. Thời gian của công đoạn này rất ngắn, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau cùng, khi đồng đã nguội, tiến hành gọt giũa, mài nhẵn, đánh bóng tượng, tức là hoàn thiện kỹ thuật, cũng phải mất từ 5 đến 6 tháng.
Đúc pho tượng này, chỉ tính riêng nguyên liệu phụ gia, đã phải dùng đến 60 m3 đất sét, 70 tấn thép các loại để làm khuôn; 35 tấn than đá, 120 tấn củi để nung chảy đồng.
Trong thời gian ghép mẫu, làm khuôn và khi đúc tượng, rót đồng vào khuôn phải sử dụng cẩu loại 25 tấn và 100 tấn. Khi tượng đúc xong, vận chuyển tượng đến chùa Bái Đính còn phải sử dụng cẩu loại 25 tấn và loại 100 tấn nữa. Ngày đưa tượng Phật tổ về chùa Bái Đính là ngày 24-3 năm Bính Tuất, tức là ngày 21-4-2006.
Khi vận chuyển tượng phải dùng đến loại xe đặc chủng. Đường từ xưởng đúc ở thôn Thượng Đồng ra đường cái lại hẹp, nên phải kè thêm đá ở bên ngoài và chặt cây cho đường thoáng rộng. Bắt đầu chuyển tượng từ 3 giờ sáng từ xã Yên Tiến, mãi đến 14 giờ mới tới chùa Bái Đính. Như thế, đoạn đường chuyển tượng chỉ dài có hơn 30 km nhưng phải đi mất 9 giờ.


--------------------------------------------------------------------------------

HOÀNG HẬU DƯƠNG VĂN NGA - NINH BÌNH:
Trên thế giới đã có rất nhiều hoàng hậu nổi tiếng tài ba nhưng chỉ làm vợ một ông vua. Còn bà Nga đã làm vợ hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Điều đó khẳng định bà rất xinh đẹp, có sức quyến rũ, thông minh nên mới được vinh dự ấy. Công lao lớn nhất của bà là lượng sức mình không đảm đương việc nước. Bà đã quyết định trao ngôi báu lại cho Lê Hoàn tức là truất cơ nghiệp của nhà Đinh, xây dựng nhà Tiền Lê. Đây là việc làm phù hợp với lòng trời, lòng dân. Bà là người phụ nữ thức thời yêu nước, nghĩ đến vận mệnh đất nước là trên hết, bỏ ngoài tai lời bàn tán, phản đối thậm chí cả những dư luận rất xấu của triều đình lúc bấy giờ. Và một lần nữa, vượt trên những người phụ nữ đương thời dám tự quyết đoán tình cảm riêng tư theo tiếng gọi của con tim bà chia sẽ hạnh phúc với Lê Hoàn, góp phần xây dựng đất nước sau chiến thắng. Bà qua đời vào năm 1000. Nga chính là người phụ nữ nổi tiếng, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc việt nam. Trong lịch sử nước ta cũng có hoàng hậu hai vua đó là công chúa Lê Ngọc Bình- em của công chúa Lê Ngọc Hân nhưng về tài đức thì không thể nào so sánh với Dương Vân Nga.


--------------------------------------------------------------------------------

NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM NINH BÌNH:
Theo quốc lộ 1A từ Thanh Hoá ra 60 km, hay từ Hà Nội xuống 93 km đến thành phố Ninh Bình, du khách rẽ phía Đông-Nam đi theo đường số 10, khoảng 28 km là tới thị trấn Phát Diệm, ở bên trái đường số 10 thấy cây Cầu Ngói cổ, du khách đi chừng 100 m, rẽ phải theo một con đường trải nhựa dài khoảng 250 m là tới khu quần thể nhà thờ đá Phát Diệm.
Khu quần thể nhà thờ đá này có chiều dài 200 m, rộng 110 m, có tường xây bao bọc, với nhiều công trình xây dựng như Ao Hồ, Phương Đình, Nhà thờ lớn, Bốn nhà thờ cạnh, Nhà thờ đá,… được linh mục Phê rô Trần Lục (chính tên là Trần Triêm) tuần tự xây dựng từ năm 1876 đến 1899. Đây là một công trình kiến trúc mang phong cách phương Đông hết sức độc đáo.
Các điểm du lịch trong khu:
1.Nhà thờ đá Phát Diệm.
2.Chùa Đồng Đắc.
3.Đền Nguyễn Công Trứ.


--------------------------------------------------------------------------------

ĐỀN VUA ĐINH TIÊN HOÀNG NINH BÌNH:
Đền quay hướng Tây toạ lạc trên một khu đất rộng, thuộc thôn Vân Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn. Đền có 3 toà, kiến trúc theo kiểu "tiền nhất, hậu đinh liền nhau". Tiền Đường 5 gian, kiến trúc theo kiểu đình làng.
Điều đặc biệt là trong Hậu Cung chỉ đặt một tượng vua Đinh Tiên Hoàng làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, cao gần 2 mét. Phía trước đền có hồ bán nguyệt là nơi tụ thuỷ, giữa sân đền là một sập Long Sàng bằng đá, tượng trưng cho vua ngự triều.
Đến thăm đền vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương du khách như được về thăm quê hương của người anh hùng thế kỷ thứ X, với nhiều huyền thoại về một thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh - nơi mà xưa kia Đinh Bộ Lĩnh và các bạn cùng làng đã từng chăn trâu cắt cỏ như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ ... đã nuôi trí lớn dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất đất nước.
 

--------------------------------------------------------------------------------

ĐỀN VUA LÊ ĐẠI HÀNH NINH BÌNH:
Cách đền vua Đinh Tiên Hoàng về phía Bắc 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành, cũng xây dựng trên nền cung điện xưa của kinh đô Hoa Lư. Đền ở làng Trường Yên Hạ nên gọi là đền Hạ. Đền lấy núi Đèn làm án. Kiến trúc của đền cũng xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", có thêm Từ Vũ, không có ngưỡng cửa đá và những tảng đá cổ bồng tôn cao như đền vua Đinh Tiên Hoàng.
Đền vua Lê Đại Hành còn giữ nguyên được lối kiến trúc và điêu khắc ở thời kỳ Hậu Lê. Đền vua Lê Đại Hành có ba toà: Bái Đường, Thiêu Hương, Chính Cung. Đền thấp hơn đền vua Đinh, lại có nhiều bức đại tự sơn son thếp vàng, nên tạo cảm giác tráng lệ, mang tính chất huyền ảo hơn. Bái Đường đền Lê Đại Hành có nhiều mảng chạm khắc gỗ rất điêu luyện và tinh xảo. Qua Bái Đường là đến Thiêu Hương thờ tứ trụ triều Tiền - Lê.
Nối với Thiêu Hương là Chính Cung, gian giữa của Chính Cung, trên bệ đá đặt tượng vua Lê Đại Hành. Gian bên trái tượng vua Lê Đại Hành là tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, quay mặt về phía đền Đinh. Gian bên phải tượng Lê Đại Hành, đặt trên bệ đá tượng Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều) là con thứ năm của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ ba của nhà Tiền Lê. Điều đặc biệt của đền Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ thứ XVII đã đạt đến trình độ điêu luyện và tinh xảo

 


Nguồn: saigonoserco

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 10/19/17